"Dở khóc dở cười" chuyện xin sữa mẹ lung tung trên mạng

15:35 | 12/07/2023;
Trên mạng xã hội, việc xin và cho sữa mẹ diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là phương pháp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh tối ưu và được khuyến khích trên toàn thế giới. Sữa mẹ có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật.

Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều mẹ bị áp lực khi bản thân không có đủ sữa cho con mình. Thương con, một số người mẹ tìm đủ mọi cách để xin sữa từ người nọ sang người kia, mong con được ăn sữa mẹ hoàn toàn cho tới khi 1 tuổi. Cũng từ đây, rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" đã xảy ra. 

Tặng sữa nhưng lại bị quở trách

Chị Nguyễn Hà (sống tại Hà Nội) vừa sinh em bé được 4 tháng. Vì sữa nhiều nên chị Hà hút ra và tích trữ trong tủ. Số lượng ngày một nhiều nên bà mẹ trẻ quyết định tặng lại cho những người mẹ cần. Trên mạng xã hội có rất nhiều group cho, tặng sữa dành cho các mẹ không có đủ sữa cho con hoặc một số người mẹ mắc bệnh nên không thể cho con bú. 

Nhận thấy đây là hành động rất nhân văn nên chị Hà chịu khó hút ngày đêm để đem tặng. Bản thân chị cũng đảm bảo đã xét nghiệm đầy đủ và không mắc bệnh nên mới quyết định đi tặng sữa. Các mẹ có con lớn khỏe thì cảm ơn chị rối rít, nhưng cũng không ít lần chị bị các mẹ xin sữa trách ngược.

"Có lần một chị nhắn tin hỏi liệu em có bệnh gì không mà sữa con ăn vào xong bị tiêu chảy. Dù mình đã gửi thêm một số giấy tờ xét nghiệm và khẳng định nhiều bé ăn vào không sao nhưng chị ấy không tin, thậm chí còn rêu rao là sữa không tốt nên bé mới như thế. 

Thực sự những lần như vậy làm mình thấy khá buồn, làm chuyện tốt nhưng mang điều tiếng. Từ đó, mình cũng hạn chế việc cho, tặng sữa. Hoặc mình phải hỏi ý kiến thật kỹ trước khi quyết định tặng sữa cho ai đó", chị Hà nói.

"Dở khóc dở cười" chuyện xin sữa mẹ lung tung trên mạng - Ảnh 1.

Quy trình bảo quản sữa mẹ phải thật sự nghiêm ngặt.

Lo lắng vì không biết sữa được cho có an toàn hay không

Chị Hồng Huệ (sống tại Hà Nội) lại rơi vào trường hợp không có đủ sữa cho con bú. Sau đợt sốt vì cương sữa, bà mẹ trẻ bị mất sữa. Sợ con không có đủ dinh dưỡng, bà mẹ trẻ lên mạng tìm nguồn sữa mẹ cho con. Tuy nhiên, khi tham gia vào các nhóm cho tặng sữa mẹ, nhìn thấy rất nhiều mẹ chụp tủ sữa chật cứng kèm chia sẻ về quy trình bảo quản và rã đông sữa thì bà mẹ này lo ngại thật sự về tính vệ sinh. Nhiều người còn cho rằng bỏ sữa đông lạnh vào máy hâm 40 độ để 3 - 4 tiếng con dậy có sữa ăn luôn.

"Sữa mẹ cần có quy trình bảo quản nghiêm ngặt. Việc cuồng sữa mẹ quá đà đã dẫn tới trào lưu trao đổi, cho tặng sữa rầm rộ trên mạng. Bởi vì việc xin sữa lung tung lợi ích thì ít mà nguy cơ thì nhiều, các mẹ khó biết rõ nguồn gốc sữa, rồi bản thân người mẹ cho sữa đó có an toàn không, liệu họ có mắc bệnh gì hay không...", chị Huệ nói. Sau này chị Huệ tự rút khỏi các hội nhóm vì thấy nhiều bà mẹ thiếu kiến thức về sữa mẹ.

Không nên xin sữa mẹ lung tung

Hiện nay cộng đồng mạng xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều về việc xin sữa mẹ cho con uống. Đại đa số cho rằng việc này rất nhân văn và thực sự có ích cho những bà mẹ bị mất sữa sớm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc cho con uống sữa của người mẹ khác là không nên vì không thể biết được người mẹ đó có mắc bệnh gì không?

TS Nguyễn Hữu Trung – giảng viên Bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết: Người mẹ cho sữa phải là người có sức khỏe tốt, con của họ đang phát triển khỏe mạnh và dưới 6 tháng tuổi khi họ bắt đầu cho sữa. Do có những bệnh lây truyền qua sữa mẹ, vì vậy người mẹ cho sữa cần thực hiện những xét nghiệm bắt buộc như: HIV 1 và 2, viêm gan B, viêm gan C và giang mai. Các bệnh lây truyền, bệnh viêm vú, cấy ghép mô hoặc cơ quan (bao gồm cả cấy ghép silicone vú). 

Người cho sữa không được hút thuốc hoặc dùng bất kỳ một loại thuốc, thảo dược hoặc hoạt chất đặc biệt nào. Nếu bà mẹ hoặc bé bị cảm lạnh sẽ không được cho sữa đến khi sức khỏe phục hồi. Nếu bà mẹ uống rượu thì phải ngừng tối thiểu 12 giờ trước khi cho sữa. Một lượng nhỏ rượu, thuốc men hoặc các loại thảo mộc trong sữa có thể có vấn đề với sức khỏe của bé.

Các mẹ cũng nên để ý đến công đoạn bảo quản sữa mẹ để tránh tình trạng bé uống vào bị tiêu chảy. Khi vắt sữa ra các bình chứa hoặc túi để bảo quản cần ghi rõ ngày tháng, thời gian bảo quản để khi sử dụng sữa vắt cũ trước, sữa vắt mới sau. Vắt sữa không nên đầy quá sẽ làm bịch sữa bung ra. Mỗi bình chứa sữa chỉ nên đựng vừa phải đủ cho 1 lần ăn của trẻ để tránh lãng phí.

Thời gian bảo quản có thể là 4 giờ nếu ở nhiệt độ 80 độ F (tương đương 27 độ C), hoặc 10 giờ nếu ở nhiệt độ 70 độ F (tương đương 21 độ C), hoặc 24 giờ nếu ở nhiệt độ 60 độ F (tương đương 16 độ C).

Nếu bảo quản trong tủ lạnh, thời gian cho phép có thể kéo dài hơn: trong 5 ngày ở nhiệt độ 4 độ C (vùng ngoài ngăn đá tủ lạnh) hoặc 2 tuần nếu để trong ngăn đá tủ lạnh.

Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ nhỏ nhưng một số trường hợp mẹ không thể cho con bú thì vẫn cần cho con dùng sữa công thức, việc dùng sữa công thức đúng độ tuổi là an toàn cho trẻ. Ví dụ cho tình huống này như: bà mẹ bị ung thư, bà mẹ bệnh nhiễm trùng, viêm nhiễm nặng hoặc bà mẹ không thể tiết sữa.

Mặc dù sữa mẹ rất tốt, nhưng chúng ta không nên bằng mọi giá phải cho con uống sữa mẹ vì đôi khi điều này gây áp lực lớn tới tinh thần người mẹ. Người mẹ phải có tinh thần thoải mái thì mới làm được nhiều điều tuyệt vời khác cho con. 

Hiện một số bệnh viện có xây dựng ngân hàng sữa mẹ nhưng ngân hàng sữa này đều phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Bà mẹ muốn tặng sữa cho ngân hàng cần được sàng lọc loại bỏ nguy cơ bệnh truyền nhiễm và các vấn đề khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn