Đổ mồ hôi quá nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?

18:48 | 05/12/2024;
Thông thường, cơ thể chúng ta đổ mồ hôi để làm mát và kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Nhưng bị đổ mồ hôi quá nhiều và thường xuyên dù nhiệt độ không khí không quá nóng có thể do tình trạng bệnh lý.

Đổ mồ hôi là phản ứng bình thường của cơ thể khi gặp nhiệt độ nóng hoặc lo lắng. Nhưng một số người lại bị đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt đổ mồ hôi ở nách, cổ, ra mồ hôi ở bàn chân và không có lý do rõ ràng.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Ngọc (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam), điều này có thể là do một tình trạng bệnh lý có thể chẩn đoán được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi. "Mọi người đều có thể đổ mồ hôi nhưng nếu bạn bị đổ mồ hôi quá nhiều thì có thể là bạn mắc chứng tăng tiết mồ hôi, một tình trạng bệnh lý có thể điều trị được", bác sĩ Hồng Ngọc lưu ý.

Bệnh tăng tiết mồ hôi là hiện tượng đổ mồ hôi quá nhiều một cách bất thường và không nhất thiết liên quan đến nhiệt độ hoặc tập thể dục. Những người mắc chứng này đổ mồ hôi nhiều đến mức thấm qua áo hoặc chảy ra khỏi tay họ. Bên cạnh việc làm ảnh hưởng đến cuộc sống, chứng tăng tiết mồ hôi có thể dẫn đến sự bối rối và lo lắng. Loại tăng tiết mồ hôi phổ biến nhất là tăng tiết mồ hôi cục bộ hoặc thiết yếu, trong đó, các dây thần kinh kích hoạt tuyến mồ hôi của bạn trở nên hoạt động quá mức. Ngay cả khi bạn không chạy hoặc trời nóng, bàn chân, bàn tay hoặc mặt của bạn vẫn đổ mồ hôi.

Đổ mồ hôi quá nhiều là dấu hiệu của bệnh gì?- Ảnh 1.

Một loại đổ mồ hôi bất thường nghiêm trọng hơn được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát, báo hiệu sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên. Loại đổ mồ hôi quá nhiều này thường là kết quả của tình trạng bệnh lý như bệnh tiểu đường, đau tim, nhiễm trùng, lượng đường trong máu thấp; bốc hỏa thời kỳ mãn kinh, rối loạn hệ thần kinh, một số loại ung thư và các vấn đề về tuyến giáp.

Bác sĩ cho biết thêm, chứng tăng tiết mồ hôi ở nách không liên quan gì đến vệ sinh. Tuy nhiên, những người mắc chứng tăng tiết mồ hôi, đặc biệt là mồ hôi nách, nhận thấy áo sơ mi của họ thấm ướt ngay sau khi mặc. Vì vậy, họ tắm liên tục và thay quần áo nhiều lần trong ngày. Điều này có thể giúp khô thoáng tạm thời nhưng khi bị chứng tăng tiết mồ hôi, việc tắm thường xuyên cũng không ngăn được vấn đề.

Các phương pháp điều trị phổ biến cho tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều có thể được sử dụng như thuốc chống mồ hôi, kem hoặc khăn lau theo toa; tiêm botox để chặn các tín hiệu thần kinh kích hoạt mồ hôi. Thuốc kháng cholinergic hoặc thuốc ngăn chặn sự kích hoạt mồ hôi của cơ thể. Phẫu thuật, thường là với thủ thuật gọi là cắt hạch giao cảm lồng ngực qua nội soi (ETS).

"Nếu bác sĩ chẩn đoán bệnh tăng tiết mồ hôi, thông thường bạn sẽ bắt đầu với thuốc chống mồ hôi và kem theo toa hoặc thậm chí là thuốc trước khi xem xét tiêm botox và các thủ thuật khác. Trong những tình huống cực đoan nhất, các giải pháp lâu dài hơn như phẫu thuật có thể hữu ích", bác sĩ Ngọc cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn