Độ tuổi niềng răng phù hợp và đạt hiệu quả nhất là từ 8-14 tuổi, đạt hiệu quả cao và có độ bền tương đối lâu hơn so với niềng ở các giai đoạn khác.
Nhờ vào khả năng cải thiện thẩm mỹ, giảm thiểu các vấn đề về răng miệng tránh ảnh hưởng đến sức khỏe,... niềng răng ngày càng được áp dụng hết sức phổ biến. Nhưng có không ít các trường hợp do đến niềng răng quá muộn dẫn đến đau đớn nhiều hơn, thời gian niềng răng kéo dài hơn, thậm chí phải nhổ răng. Do đó, nắm bắt được độ tuổi niềng răng tốt nhất là rất quan trọng để có thể thực hiện niềng răng đúng lúc.
Theo các khuyến cáo về nha khoa hiện nay, độ tuổi niềng răng lý tưởng nhất chính là thời điểm đứa trẻ đã thay thế được một số răng sữa bằng răng trưởng thành, tức là lứa tuổi từ 8-14 tuổi.
Người ta cho rằng, niềng răng vào giai đoạn này có lợi thế là cấu trúc răng và xương của trẻ còn mềm nên dễ dàng điều chỉnh và uốn nắn, kết quả đạt được cũng lý tưởng hơn rất nhiều so với việc niềng răng khi đã lớn tuổi. Ngoài ra, niềng răng sớm còn có lợi để có được khớp cắn lý tưởng và ngăn chặn nguy cơ biến dạng xương vùng hàm mặt do răng mọc không đều.
Trước đó, ngay khi trẻ được khoảng 6-7 tuổi (giai đoạn bắt đầu thay răng và vẫn còn nhiều răng sữa) thì trẻ nên được đi khám bác sĩ nha khoa để phát hiện sớm các tình trạng lệch lạc trong mọc răng.
Nếu có sự bất thường, các bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng dụng cụ chỉnh nha để điều chỉnh các lệch lạc này. Sau đó, nếu răng của trẻ vẫn còn xảy ra tình trạng lệch lạc thì sẽ tiến hành niềng răng. Khi này thời gian niềng răng sẽ giảm đi đáng kể và cũng đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với niềng răng mà không có giai đoạn sử dụng dụng cụ chỉnh nha trước đó.
2. Bao nhiêu tuổi thì không niềng răng được nữa?
Có không ít người có hàm răng lệch lạc gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng, nhưng do không được phát hiện để niềng răng sớm hoặc không có điều kiện niềng răng sớm. Nên câu hỏi “bao nhiêu tuổi không niềng răng được nữa” trở thành câu hỏi rất được quan tâm.
Thực tế, niềng răng có thể thực hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả khi đã cao tuổi. Vì thế, việc nhiều thế hệ trong cùng một gia đình cùng nhau niềng răng không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, niềng răng muộn gây nên có rất nhiều bất lợi khác nhau so với niềng răng đúng độ tuổi, chẳng hạn như:
- Răng và xương hàm đã quá độ tuổi phát triển, có cấu trúc ổn định nên việc điều chỉnh, kéo, nắn và sắp xếp các răng trở nên khó khăn hơn.
- Thường phải nhổ bớt răng tạo khoảng trống để kéo răng và đưa răng về vị trí mong muốn.
- Khi niềng răng quá muộn, do phải can thiệp nhiều hơn nên người bệnh cũng phải chịu nhiều tổn thương hơn. Hậu quả là sẽ đau đớn nhiều hơn rất nhiều so với niềng răng ở trẻ em.
- Thời gian lành khi niềng răng muộn kéo dài có thể lên đến 18-24 tháng, lâu hơn nhiều so với niềng răng khi còn nhỏ.
- Do phải can thiệp nhiều hơn, thời gian can thiệp và theo dõi lâu hơn nên người bệnh cũng phải chi trả chi phí cao hơn nhiều so với niềng răng khi còn nhỏ.
Có thể thấy rằng, mặc dù không có giới hạn cho độ tuổi niềng răng tuy nhiên nếu có tình trạng răng lệch lạc xảy ra thì nên tiến hành niềng răng sớm nhất khi có thể. Điều này vừa giúp hạn chế các tác hại do mọc răng lệch lạc gây nên và cũng khiến quá trình niềng răng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/braces/expert-answers/dental-braces/faq-20058192
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn