14 tuổi, nặng 70kg, trọng lượng cơ thể vượt 30kg so với chỉ số cân nặng trung bình của một trẻ cùng độ tuổi. Đó là tình trạng của con trai chị Trần Khánh Ly (ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Điều đáng lo ngại hơn, khi chị Ly đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cháu bé thừa cân nhưng lại thiếu canxi, bị còi xương và thiếu máu.
"Ngày còn nhỏ cháu biếng ăn. Có lần tôi dỗ cháu ăn cơm kèm uống nước ngọt, thấy cháu hợp tác, từ đó ngày nào tôi cũng cho con uống ít nhất 2 lon nước ngọt vị cam. Tôi nghĩ đó là nước hoa quả thì chắc không ảnh hưởng gì cho đến lúc con được 5 tuổi thì bắt đầu có hiện tượng tăng cân nhanh.
Gia đình tôi chỉ nghĩ con đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng đến giờ, thấy lo lắng quá, tôi đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận cháu bị béo phì, mắc đái tháo đường tuyp 2. Tôi hối hận vì đã không kiểm soát thói quen ăn uống của con" - chị Ly tâm sự.
Chưa bị béo phì nhưng do sử dụng nhiều nước ngọt nên con trai của chị Lưu Thị Vân (ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị mòn, hỏng gần hết 2 hàm răng dù mới tròn 4 tuổi.
"Chồng tôi có thói quen uống nước ngọt nên con tôi cũng uống theo. Mâm cơm gia đình bữa nào chưa có nước ngọt là hai bố con lại dắt nhau đi mua về rồi mới ăn. Do chi phí cũng không đắt, hơn 10.000 đồng/lon, nên tôi cũng không để ý lắm. Nhưng bây giờ, những tác hại của nó đang ảnh hưởng rõ rệt đối với gia đình tôi", chị Vân chia sẻ.
Tại "Hội thảo góp ý về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em" được tổ chức mới đây, bà Đỗ Hồng Phương, chuyên gia dinh dưỡng UNICEF Việt Nam, cho biết, ở Việt Nam, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm người 5-19 tuổi tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020).
Trong đó, khu vực thành thị là 26,8%, cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%).
"Việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có thể dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp gấp hơn 1,36 lần, nguy cơ cao mắc nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh mãn tính khác. Trẻ bị thừa cân hoặc béo phì có thể bị tác động tiêu cực về tâm lý, chịu định kiến về cân nặng, làm ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống", bà Phương nhấn mạnh.
Thống kê tại Khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng trẻ em của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, mỗi tuần có 40-50 trường hợp trẻ em được cha mẹ đưa đến khám, tư vấn bị rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì. Theo khảo sát của đơn vị này, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường.
Tiến sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia), cho biết, người nội trợ có vai trò quan trọng đối với việc kiểm soát thói quen tiêu dùng, thói quen ăn uống của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con trẻ.
Để giảm tỉ lệ trẻ béo phì, giảm tỉ lệ tiêu thụ đồ uống có đường, cha mẹ cần chú trọng đến những thói quen trên bàn ăn gia đình mình.
"Nếu tiêu thụ 1 lon đồ uống có đường (250ml) hằng ngày trong vòng 5 năm sẽ tăng 60% nguy cơ thừa cân béo phì. Điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm để đảm bảo con ăn uống lành mạnh là đọc nhãn thực phẩm.
Kiểm tra nhãn cho biết hàm lượng đường trong mỗi khẩu phần, loại thực phẩm mà các thành viên trong gia đình sẽ tiêu thụ. Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, mỗi ngày, một người chỉ nên ăn 25g đường (tương đương 5 thìa cà phê), mức tối đa là 50g/ngày.
Do vậy, việc đọc nhãn sản phẩm sẽ giúp chúng ta cân đối được việc tiêu thụ lượng đường vào cơ thể của các thành viên trong gia đình", bác sĩ Nga cho biết.
Cha mẹ nên tạo thói quen đọc nhãn thực phẩm cho con mình, nói "không" với các đồ uống có đường, cần ăn nhiều trái cây và rau hơn trong ngày để hạn chế việc ăn vặt các thực phẩm nhiều đường.
Hơn nữa, cha mẹ cần kiên nhẫn trong việc thay đổi hành vi ăn uống của con để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, giảm nguy cơ bệnh tật sau này.
(còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn