Đồ uống có đường: Từ chính sách đến bàn ăn gia đình - Bài cuối: Hành trình thay đổi thói quen tiêu dùng

11:04 | 02/12/2024;
Theo các chuyên gia, để làm giảm hệ lụy của đồ uống có đường, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về ảnh hưởng của loại đồ uống này lên sức khỏe con người. Và hành trình thay đổi cần bắt đầu từ những người làm cha mẹ.
Bài toán kinh tế

Mỗi tháng, gia đình chị Minh Anh (ở tỉnh Phú Thọ) đều tốn một khoản tiền khoảng 700.000 đồng cho các loại nước ngọt. Theo tính toán của chị, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường thì chi phí cho khoản chi tiêu này sẽ tăng lên. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đây thực sự là vấn đề khiến chị phải cân nhắc, tính toán. Bên cạnh "bài toán" chi phí, sự ảnh hưởng của loại đồ uống ngọt ngào này đến sức khỏe cũng khiến chị lo lắng.

Sau khi thấy một số người quen được phát hiện bị bệnh tiểu đường do dùng đồ uống có đường trong một thời gian dài, chị Minh Anh bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi thói quen này của gia đình mình. 

Bác sĩ nha khoa cũng đã cảnh báo chị cần dừng việc cho con uống nước ngọt để răng không bị sâu và ố vàng. Vì vậy, chị Minh Anh đã thống nhất với chồng sẽ giảm dần việc sử dụng đồ uống có đường trong bữa ăn gia đình. 

Thay vào đó, chị pha nước cam tươi và thay đổi các loại đồ uống trong ngày cho các con. Cũng phải mất cả năm trời, gia đình chị mới bỏ được thói quen khát là mở nắp lon.

Đồ uống có đường: Từ chính sách đến bàn ăn gia đình -
Bài cuối: Hành trình thay đổi thói quen tiêu dùng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thay đổi nhận thức và hành vi từ gia đình

Ths.Vũ Thị Minh Hạnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), cho biết, gia đình có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát thói quen tiêu dùng cũng như thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi thành viên trong việc sử dụng đồ uống có đường. 

Hành trình thay đổi cần bắt đầu từ những người làm cha mẹ. Trước hết, cha mẹ không nên sử dụng đồ uống có đường, phải làm gương để các con noi theo. Bên cạnh đó, cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe như gây thừa cân béo phì, làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, bệnh răng miệng, các vấn đề về tim mạch... 

Cha mẹ có thể lấy những ví dụ sinh động ngay từ gia đình hoặc cộng đồng xung quanh để cảnh báo trẻ. Đặc biệt, khi chọn mua đồ ăn cho con trẻ, cha mẹ cần lưu ý việc đọc nhãn sản phẩm để xem lượng đường là bao nhiêu; 

hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…); 

nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt, ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô; không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.

Theo Ths.Vũ Thị Minh Hạnh, cần đẩy mạnh truyền thông và giáo dục cộng đồng về tác hại của việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường, hướng dẫn và tạo thói quen cho người tiêu dùng đọc nhãn dinh dưỡng ghi trên sản phẩm để nhận biết hàm lượng đường có trong sản phẩm. 

Hạn chế quảng cáo đồ uống có đường, nhất là với nhóm trẻ em, vị thành niên, thanh niên; cấm lưu hành các sản phẩm đồ uống có đường trong các cơ sở giáo dục…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn