Đổ xô đi mua nước rửa tay khô nhưng liệu bạn đã chọn đúng và dùng đúng cách chưa?

07:49 | 15/03/2020;
Giữa mùa dịch COVID-19, ngoài việc rửa tay với xà phòng thì lựa chọn sử dụng nước rửa tay khô (dung dịch sát khuẩn) là một lựa chọn tiện lợi khi không thể rửa tay với xà phòng được. Tuy nhiên, lựa chọn nước rửa tay khô với nồng độ cồn bao nhiêu, rửa bao nhiêu giây,... thì không phải ai cũng biết.

Trong mùa COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân việc rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong thời gian từ 20 - 30 giây là biện pháp giúp chống lại sự lây lan của virus COVID-19. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đây là một thói quen tốt mà người dân nên thực hiện hàng ngày.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể rửa tay bằng xà phòng được, nhất là với những người có công việc cần di chuyển và tiếp xúc thường xuyên ở những nơi đông người. Do vậy mà nước rửa tay khô hay các dạng gel rửa tay khô thay thế giúp bảo vệ đôi tay của bạn khỏi vi khuẩn và virus.

1. Lựa chọn thành phần nước rửa tay khô như thế nào mới giúp tiêu diệt virus COVID-19?

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thì trong nước rửa tay khô cần có ít nhất là 60% lượng cồn để bạn có thể sử dụng như một dung dịch có tác dụng sát khuẩn. Bởi có chứa cồn nên nếu bạn sử dụng nhiều sẽ không tránh việc da tay bị khô, vì thế mà các chuyên gia cũng khuyên rằng bạn nên "bỏ túi" một tuýp kem dưỡng ẩm hay ủ tay bằng bao tay sau khi bôi kem dưỡng ẩm và buổi tối là phục hồi làn da của bạn,...

Trong một báo cáo khoa học đã được xuất bản của StatPearls cũng cho biết, một dung dịch rửa tay cần có ít nhất từ 60 - 95% cồn thì mới có thể chống lại được mầm bệnh. Tuy nhiên một điều đáng lưu ý đó là nồng độ cao hơn thì lại cho bạn hiệu quả thấp hơn, do protein của vi sinh vật không thể bị biến tính một cách dễ dàng nếu như xung quanh nó không có nước.

Hơn nữa, nhược điểm của nước rửa tay khô là rất dễ bị bay hơi, vì thế mà nếu như sản phẩm chỉ chứa toàn cồn sẽ bị bay hơi rất nhanh, thậm chí là có thể bay hơi hết trước khi bạn sát khuẩn tay. Khi đó hiệu quả chống lại mầm bệnh cũng giảm.

Với từng chất gốc cồn, chúng ta có hiệu quả kháng khuẩn cao nhất trong mức độ: ethanol (60% đến 85%), isopropanol (60% đến 80%), và n -propanol (60% đến 80%).

Hiện tại thì tất cả những sản phẩm nước rửa tay có chứa cồn đều đã được công nhận là an toàn đối với con người và cả đối với trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý tuyệt đối không để nước rửa tay trong tầm với của bé, tránh việc uống và gây ngộ độc.

Bạn nên chọn các sản phẩm có thêm thành phần gel hoặc làm ẩm như Glycerin để vừa tăng được thời gian rửa tay vừa giữ ẩm được cho da.

Danh sách các chất bị cấm sử dụng trong nước rửa tay theo CDC

Từ năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (CDC) đã ban hành một quy định cấm sử dụng 28 chất trong sản phẩm nước rửa tay khô bán dưới dạng không kê đơn, trong đó có triclosan và benzethonium chloride thường dùng để diệt khuẩn.

Danh sách đầy đủ bao gồm:

Benzethonium chloride, Chloroxylenol, Chlorhexidine gluconate,

Cloflucarban, Fluorosalan, Hexachlorophene, Hexylresorcinol,

Iodine complex (ammonium ether sulfate và polyoxyethylene sorbitan monolaurate),

Iodine complex (phosphate ester của alkylaryloxy polyethylene glycol),

Methylbenzethonium chloride, Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine,

Phenol (quanh ngưỡng 1.5%), Poloxamer iodine complex, Povidone-iodine 5-10%,

Secondary amyltricresols, Sodium oxychlorosene, Tribromsalan, Triclocarban,

Triclosan, Triple dye, Undecoylium chloride iodine complex,

Polyhexamethylene biguanide, Benzalkonium cetyl phosphate,

Cetylpyridinium chloride, Salicylic acid, Sodium hypochlorite,

Tea tree oil (dầu tràm trà),

Hỗn hợp potassium vegetable oil,  phosphate sequestering agent và triethanolamine.

Thống kê của FDA cho thấy ở thị trường Mỹ chỉ có khoảng 3% sản phẩm nước rửa tay khô có các hóa chất kể trên. Ngoài ra, đa số các sản phẩm khác vẫn an toàn.

2. Nên rửa tay với nước rửa tay khô bao lâu?

Theo một nghiên cứu năm 2016 đăng trên tạp chí American Journal of Infection Control đã tiến hành khảo sát lượng nước rửa tay khô và thời gian rửa tay cần thiết để có thể làm sạch những kích thước bàn tay khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã dùng một máy tia cực tím để phát hiện những vùng da bàn tay chưa được chà xát trong khoảng thời gian đó.

Công thức sử dụng nước rửa tay khô trong dịch Covid-19: Xịt ra một lượng 3 ml bằng đồng xu, xoa trong 30 giây - Ảnh 5.

Theo đó, kết quả cho thấy tỷ lệ nước rửa tay khô sử dụng cho kết quả bao phủ được tỷ lệ bàn tay như sau:

- 1 ml sẽ bao phủ trung bình được 71% lòng bàn tay và 30% mu bàn tay; kết quả này cho thấy trên những người có kích thước bàn tay nhỏ nhất.

- 2 ml sẽ bao phủ  trung bình 95% lòng bàn tay, nhưng chỉ khoảng 74% mu bàn tay. 

- 3 ml sẽ bao phủ được 97% lòng bàn tay và 95% mu bàn tay của những người có tay nhỏ nhất và 87% mu bàn tay của những người có tay lớn nhất.

Và kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với tiêu chuẩn European Norm 1500, tiêu chuẩn này áp dụng cho biện pháp rửa tay hợp vệ sinh. Theo đó nếu muốn bao phủ được toàn bộ lòng và mu bàn tay thì bạn phải sử dụng ít nhất là 3ml nước rửa tay khô và rửa trong ít nhất là 30 giây.

3ml là khoảng bao nhiêu?

Dưới con mắt trực quan, 3 ml tương đương hơn một nửa muỗng cà phê, hoặc khi đổ ra tay, nó có kích thước cỡ một đồng xu. Một cách nữa để ước tính xem bạn có xịt ra tay đủ nước rửa tay chưa là đếm số lần bạn dùng hết một chai 60 ml. Nếu bạn rửa được trên 20 lần, thì đó là bạn chưa xịt đủ.

Lưu ý là nếu như tay bạn bị dính các vết bẩn như bùn đất, dầu mỡ thì nước rửa tay không giúp bạn làm sạch được các vết bẩn này cũng như loại bỏ mầm bệnh, bạn cần rửa lại bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ chúng hoàn toàn.

**Rửa tay để phòng dịch COVID-19, nhưng chưa chắc bạn đã biết rửa tay đúng cách:

3. Lưu ý khi chọn mua và sử dụng nước rửa tay khô cho trẻ

Theo bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng (đang sinh sống và làm việc tại bang Texas (Mỹ) : "Bố mẹ chỉ cần lựa chọn các loại dung dịch rửa tay khô chứa cồn 60%-75% là được. Dung dịch này tiêu diệt được hầu hết các loại virus, nên có tác dụng rất tốt phòng ngừa lây lan thời corona. Phòng thí nghiệm của Trung Quốc cũng cho biết là dung dịch chứa cồn 75% diệt virus corona tốt". Tuy nhiên, khi bạn dùng dung dịch rửa tay khô, nên nhắc trẻ chà xát lên mọi chỗ trên bàn tay gồm lòng bàn tay, mu bàn tay, các kẽ ngón tay và cổ tay trong ít nhất 20 giây.

Như đã biết thành phần chính của nước rửa tay khô chính là cồn và một số nguyên liệu tạo mùi, tạo ẩm khác. Trong khi đó các bé dưới 1 tuổi lại có thói quen đưa tay lên miệng trong mọi lúc. Vậy những loại nước rửa tay khô thông thường có an toàn cho trẻ không?

Bác sĩ Nhi khoa Phí Văn Công (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội) cho biết: "Trẻ em dưới 2 tháng tuổi không nên dùng các loại nước rửa tay khô có chứa Chlorhexidine. Khi mua nước rửa tay cho trẻ, bố mẹ nên đọc kĩ thành phần của mỗi loại".

Trên thị trường hiện nay cũng có bán một số loại nước rửa tay khô chuyên dùng cho các bé, được quảng cáo là an toàn cho trẻ từ 3 tháng tuổi "Giúp diệt tới 99,9% virus và vi khuẩn bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh cúm H1N1, vi khuẩn đường ruột E.Coli, Salmonella, Listeria và cúm heo". 

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng cho biết: "Chất Benzokolnium Cholired có trong sản phẩm này khi sử dụng nhưng lâu dài sẽ có hại cho trẻ, hơn nữa nó có thể không diệt được virus".

Nếu như không có nước rửa tay khô thì cho trẻ dùng gì?

Xét về bản chất của những loại nước rửa tay khô hiện nay chỉ hơn cồn ở chỗ có chất tạo mùi, chất làm mềm tay chứ không liên quan gì đến khả năng sát trùng, khử khuẩn virus COVID-19. 

Do đó, bác sĩ Phí Văn Công khuyến cáo, trong trường hợp không có nước rửa tay khô, bố mẹ có thể sát trùng tay cho con bằng cồn 70 độ là được. "Dùng cồn 70 độ để sát khuẩn da thì an toàn. Với trẻ em cũng an toàn. Cồn 70% là cồn nước, cồn bay hơi nhanh nên không cần rửa lại với nước. Có thời gian thì rửa tay bằng nước và xà phòng thường, không cần sát khuẩn lại bằng cồn nữa", bác sĩ Phí Văn Công hướng dẫn.

Cập nhật thêm những lời khuyên hữu ích khác của chuyên gia trong phòng chống dịch COVID-19 TẠI ĐÂY.

Đổ xô đi mua nước rửa tay khô nhưng liệu bạn đã chọn đúng và dùng đúng cách chưa? - Ảnh 2.


 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn