Vợ chồng Chứ A Hải và Sùng Thị Đớ (bản Xa Vua A, xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) dù học chưa hết bậc THCS nhưng đã bỏ học để kết hôn với lý do đơn giản: gia đình cần người đi làm nương cùng.
Em Chứ A Hải chia sẻ, em thấy người ta không đi học, ở nhà lấy vợ thì em cũng bỏ học về lấy vợ, em cũng không biết lấy vợ sớm là vi phạm đâu. Còn Sùng Thị Đớ, vợ của Hải cho biết, từ lúc lấy nhau về, hai vợ chồng cũng chỉ biết đi làm nương, làm ruộng thôi, cuộc sống vẫn phụ thuộc vào bố mẹ.
Tương tự, Quàng Văn Lương (ở bản Huổi Có, xã Phình Giàng) chia sẻ, hai vợ chồng em từ lúc lấy nhau đến bây giờ cũng chưa làm được giấy đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi nên xã chưa làm cho. Vì vậy, lúc con sinh cũng chưa đi làm thẻ bảo hiểm y tế và giấy khai sinh cho con.
Ông Vàng A Lồng, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chia sẻ, vấn đề tảo hôn luôn tồn tại từ trước đến nay, các địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao như xã Phình Giàng, Xa Dung, Keo Lôm. Trong huyện, tình trạng tảo hôn tập trung nhiều ở vùng đồng bào dân tộc Mông, sinh sống ở bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những trường hợp tảo hôn đều không biết kết hôn sớm là vi phạm pháp luật, họ chỉ nghĩ cứ thích là lấy nhau không quan tâm đến những hệ lụy mà nạn tảo hôn mang lại.
Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án”.
Ngoài ra, hành vi tổ chức tảo hôn còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.
Có chế tài nhưng... không dùng được
Tuy nhiên, ông Cháng Phỏng Thác, Phó Chủ tịch UBND xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông cho biết, đối với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn, vấn đề luôn được đưa ra bàn bạc công khai ở các cuộc họp. Chính quyền xã cũng đưa ra một số biện pháp xử lý nhưng chưa thể xử lý được. "Đối với các cháu, yêu thì cứ yêu, không cấm nhưng đến khi động viên gia đình và các cháu chờ đủ tuổi kết hôn thì các cháu lại không chịu nghe. Nam, nữ đủ tuổi kết hôn mới cho cưới thì các cháu thanh thiếu niên lại hay dùng các biện pháp ăn lá ngón tự tử để đe dọa hai bên gia đình", ông Thác chia sẻ.
Việc áp dụng xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền gặp nhiều khó khăn vì hầu hết họ là những người vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế eo hẹp.
Cũng vì lẽ đó mà từ trước đến nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở xã Phình Giàng xảy ra nhiều nhưng chưa thể xử phạt được trường hợp nào.
Không cho trai gái lấy nhau thì họ rủ nhau ăn lá ngón tự tử, đó là thực tế diễn ra nhiều năm nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông và trở thành rào cản lớn trong việc thực thi pháp luật.
Ông Trần Đức Trọng, Trường phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện về giải pháp cho tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, tập trung tuyên truyền bằng hình thức pa nô, áp phích và tổ chức hội thi cho các cháu học sinh THCS, tăng cường phối hợp giữa các cấp các ngành trong huyện để tuyên truyền kiến thức về pháp luật và hệ luỵ của việc tảo hôn. Sau khi tuyên truyền ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa đặc biệt hai xã Xa Dùng và Phì Nhừ thì UBND xã Phì Nhừ đã tổ chức cho các gia đình ký cam kết không để cho các con em mình và người thân trong gia đình kết hôn sớm. Đây cũng là giải pháp mới mà hiện nay Phòng Dân tộc đang áp dụng và triển khai trên địa bàn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn