Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cùng đại diện Ban Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Ban Quan hệ Quốc tế TƯ Hội LHPN Việt Nam và thành viên đoàn đại biểu Hội LHPN Cuba.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương bày tỏ sự vui mừng khi Đoàn đại biểu cấp cao Hội LHPN Cuba đã quay lại Việt Nam sau chuyến công tác tại nước Lào và Campuchia. Để tiếp tục chương trình giao lưu, học hỏi công tác Hội giữa hai nước, bà Teresa Maria Amarelle Boué đã tìm hiểu về mô hình Nhà bình yên hiện đang được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển quản lý và vận hành.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, cho biết, đầu những năm 2000, tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) và nạn mua bán người ở Việt Nam được nhận thức là nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ. Thời điểm đó, Việt Nam cũng chưa có luật phòng, chống mua bán người và phòng chống BLGĐ nên Hội LHPN Việt Nam quyết định thành lập Nhà bình yên vào ngày 8/3/2007, là nơi tạm lánh của các nạn nhân phải chịu BLGĐ, xâm hại tình dục hoặc nạn nhân bị mua bán người trở về.
Từ mô hình Nhà bình yên đầu tiên, đến nay Hội LHPN Việt Nam đã có 3 cơ sở tại TP Hà Nội và TP Cần Thơ (các Nhà bình yên đều không tiết lộ địa chỉ để đảm bảo an toàn cho các nạn nhân); 1 phòng tham vấn và hỗ trợ mở 8 phòng tham vấn tại 8 tỉnh Hội phụ nữ: Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng; có số Tổng đài hỗ trợ tư vấn, giải quyết nhanh trên toàn quốc.
Tại Nhà bình yên, các nạn nhân được hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý; góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp, chính sách trong phòng chống bạo lực gia đình và mua bán người.
"Thời gian hỗ trợ là 3 tháng đối với nạn nhân bị BLGĐ và 6 tháng đối với nạn nhân bị mua bán người. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đồng hành trong 24 tháng kể từ ngày họ rời Nhà bình yên hoà nhập lại với cuộc sống", bà Dương Thị Ngọc Linh cho biết.
Trước những chia sẻ của phía Hội LHPN Việt Nam, bà Teresa Maria Amarelle Boué rất xúc động trước những đóng góp của Hội dành cho phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ phải chịu BLGĐ. "Cuba đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, vì vậy Nhà bình yên là một mô hình đáng để chúng tôi học hỏi và nghiên cứu áp dụng tại Cuba", bà Teresa nhấn mạnh.
Để có thêm nhiều thông tin về mô hình này, đoàn đại biểu Hội LHPN Cuba cũng nhận được những sự chia sẻ rất đầy đủ về mô hình tổ chức, nhân sự cũng như cơ chế làm việc vừa đảm bảo tính minh bạch về mặt pháp lý, vừa đảm bảo sự an toàn và riêng tư cho các nạn nhân của Nhà bình yên.
Từ những con số ấn tượng như hơn 1.600 phụ nữ và gần 700 trẻ em nhận được sự hỗ trợ của Nhà Bình yên; hơn 20 nghìn người và hơn 26 nghìn lượt tham vấn trực tiếp, qua đường dây nóng và qua tổng đài, bà Teresa Maria Amarelle Boué mong muốn trong thời gian tới, khi Hội LHPN Cuba có thể thành lập các mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tương tự, Hội LHPN Việt Nam sẽ có những góp ý và tư vấn để có thêm nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn