Đoạn đường nguy hiểm nhất trên Vạn Lý Trường Thành, chỉ những người gan dạ mới dám chinh phục

09:00 | 22/09/2023;
Với độ dốc rất lớn, ngay cả người gan dạ nhất cũng cảm thấy run chân khi vượt qua đoạn đường được coi là nguy hiểm nhất ở Vạn Lý Trường Thành.

Vạn Lý Trường Thành được coi là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, thu hút hàng triệu khách tham quan mỗi năm. Vạn Lý Trường Thành là tên gọi chung cho nhiều thành lũy trải dài hàng nghìn km từ đông sang tây. Công trình này được xây bằng đất đá kể từ thế kỷ thứ 5 TCN tới thế kỷ 16 tại Trung Quốc.

Vạn Lý Trường Thành đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987. Theo một nghiên cứu khảo cổ vào năm 2012, Vạn Lý Trường Thành có chiều dài 21.196 km. Trong đó, chiều cao trung bình của tường thành là 7m so với mặt đất và mặt trên của trường thành rộng khoảng 5 – 6 m.

Đặc biệt, theo các ghi chép trong lịch sử, sau khi thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng và liên kết các tuyến phòng thủ rời rạc của các nước trở thành Vạn Lý Trường Thành. Đây là một mạng lưới các bức tường thành khổng lồ với sự tham gia xây dựng của rất nhiều người cách đây hơn 2.000 năm.

Đoạn đường nguy hiểm nhất trên Vạn Lý Trường Thành, chỉ những người gan dạ mới dám chinh phục - Ảnh 1.

Vạn Lý Trường Thành là một trong những điểm đến nổi tiếng ở Trung Quốc. Ảnh: Wiki

Trên thực tế, bên cạnh những khu vực khá bằng phẳng cho khách tham quan dễ dàng di chuyển, Vạn Lý Trường Thành còn có một số đoạn đường rất nguy hiểm với cảnh báo chỉ dành riêng cho những du khách dũng cảm, gan dạ muốn chinh phục.

Một đoạn đường nổi tiếng trong số đó được mệnh danh là "bậc thang lên thiên đường" chính là minh chứng. Đoạn đường này nằm tại huyện Miyun, cách thành phố Bắc Kinh khoảng 120 km, được xây dựng từ năm 1551 đến năm 1555, vào thời nhà Minh.

Đoạn đường nguy hiểm nhất trên Vạn Lý Trường Thành, chỉ những người gan dạ mới dám chinh phục - Ảnh 2.

Đoạn đường này có độ dốc lên tới 80 độ, cực kỳ dễ ngã. Ảnh: Instagram

Đoạn đường này có độ dốc và góc nghiêng khoảng 70 – 80 độ, bao gồm khoảng 70 bậc thang đá và cao 80 m. Với độ dốc lớn như vậy, đoạn đường này gần như thẳng đứng. Hơn nữa, có đoạn bậc thang chỉ rộng nửa mét, mỗi bậc cao khoảng 50 cm và rộng 15 cm. Do đó, để chinh phục đoạn đường này, các du khách cần phải có kỹ năng leo núi, sự gan dạ, đồng thời còn phải sử dụng cả tay và chân để leo lên hoặc leo xuống.

Đoạn đường này cũng chính là nơi mà nhiều du khách tuy từng đến Vạn Lý Trường Thành nhưng chưa dám chinh phục.

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng để làm gì?

Đoạn đường nguy hiểm nhất trên Vạn Lý Trường Thành, chỉ những người gan dạ mới dám chinh phục - Ảnh 3.

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng cách đây hơn 2.000 năm với nhiều công dụng đặc biệt. Ảnh: Getty Images

Vạn Lý Trường Thành được coi là công trình vĩ đại mà Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, kiến tạo nhằm chống ngoại xâm. Leo lên trường thành gặp rất nhiều khó khăn vì đường đi hiểm trở. Vậy, công dụng của Vạn Lý Trường Thành là gì?

Thứ nhất, cảnh báo. Nhờ có Vạn Lý Trường Thành, những người dân có thể yên tâm trồng trọt, dệt vải trong thời bình. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu xâm phạm, những người lính canh gác trên Vạn Lý Trường Thành sẽ châm vạc dầu báo hiệu. Theo đó, các vạc lửa ở Vạn Lý Trường Thành lần lượt bùng lên để báo tin đến kinh thành về giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, khi cảnh báo xuất hiện, người dân có thể mau chóng tập hợp.

Thứ hai, công dụng tiếp theo của Trường Thành chính là bảo vệ phòng tuyến. Chẳng hạn, nếu quân Hung Nô vẫn tiếp tục tấn công qua các binh trạm, cứ điểm để tìm được đoạn yếu nhất trên Trường Thành, họ sẽ bất ngờ phát hiện ra rất nhiều người đang chờ sẵn ở công trình này.

Thứ ba, Vạn Lý Trường Thành có công năng nữa là hành lang phong tỏa. Cụ thể, các binh lính có thể đi bộ dọc theo Trường Thành để bảo vệ đoạn yếu nhất khi quân địch chuẩn bị tấn công. Bằng cách này, quân địch nhiều khi không kịp trở tay và sớm bị tiêu diệt.

Vạn Lý Trường Thành đóng vai trò như một chiếc khóa có thể giúp kiểm soát những yếu tố bất ổn đến từ các bộ tộc du mục Trung Á xâm nhập vào Trung nguyên.

Trải qua hàng nghìn năm, nhiều đoạn Trường Thành vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Theo các nhà khoa học, có một thứ vật liệu bình dị đã giúp tạo nên những bức tường thành "bất khả xâm phạm" và kín đến nỗi cỏ dại cũng không thể mọc xuyên qua. Vật liệu này chính là gạo nếp, một loại thực phẩm quen thuộc với nhiều người. Việc dùng gạo nếp trộn trong vữa giúp liên kết các viên gạch lại với nhau một cách chặt chẽ.

Theo các chuyên gia, gạo nếp có các đặc tính vật lý ổn định, có sức bền cơ học lớn hơn, khiến nó trở thành một loại vữa phù hợp với công trình thời cổ đại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn