Tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, Đoàn đã thành kính dâng lên vòng hoa tươi thắm và thắp những nén hương thơm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, cùng anh hùng, liệt sĩ và đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến thắp nén nhang cho đồng đội, cho những người đã anh dũng hy sinh, nằm xuống, bà Nguyễn Thị Hạnh – bí danh Tư Gừng, năm nay 77 tuổi cho biết: Bà là nữ du kích Củ Chi, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Trở lại thời bình, bà vẫn miệt mài cùng các dì, các chị tiếp tục tìm kiếm hài cốt những người còn nằm lại chiến trường. Nhưng công tác tìm kiếm đồng đội gặp rất nhiều khó khăn, vậy nên, bà vẫn mang trong lòng nỗi tiếc thương day dứt.
"Tôi thương nhớ, thương tiếc nên đến đây để thắp nhang. Chiến tranh qua rồi nhưng vẫn còn nhiều đồng đội nằm xuống không tìm thấy hài cốt, nên luôn đau đáu nỗi đau. Bây giờ, mọi thứ thay đổi, người dân trồng cây cao su cả rồi nên không tìm ra", bà Hạnh chia sẻ.
Cùng chung cảm xúc bùi ngùi, ông Nguyễn Văn Chùm - Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Xóm Mới (Trung Lập Hạ, Củ Chi, THCM) cho biết: "Tôi tham gia cách mạng năm 16 tuổi, đến năm 1974 mới về chiến khu truy quyét tàn quân của kẻ thù. Gia đình tôi có 7 anh em thì 4 người hy sinh trong thời gian tham gia cách mạng. Ở đây, tôi nhớ lại thời cùng đồng đội kháng chiến, nhưng đến hôm nay thì người mất người còn. Tôi chỉ biết lên đây để thắp nén nhang cho những người đã mất. Tôi mong thế hệ trẻ tiếp bước ông cha để giữ vững truyền thống của quê hương, của vùng đất Thép".
Ông Nguyễn Văn Ảnh - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã An Nhơn Tây (Củ Chi, TPHCM) bày tỏ: "Gần 50 năm giải phóng đất nước, hiện nay các đồng chí đã hy sinh cũng đưa về nghĩa trang liệt sĩ, đưa về Đền Bến Dược để thờ cúng trang nghiêm nhưng vẫn còn những đồng chí chưa tìm thấy. Tôi là cựu chiến binh, thấy gia đình người ta sum họp mà còn một số đồng chí chưa có thể về quy tập ở đài liệt sĩ để thờ cúng cho trang nghiêm, cảm thấy đau lòng".
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc khẳng định: Thành phố xác định công tác chăm lo thương binh, liệt sĩ, người có công là trách nhiệm, là tình cảm thiêng liêng, là vinh dự để thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Được biết, Đền Bến Dược không chỉ là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn, sự tôn kính đối với những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất tại TPHCM, nằm ngay giữa "tam giác sắt" trên vùng đất nổi tiếng với địa đạo Củ Chi - một trong những biểu tượng của sự kiên cường và tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta.
Riêng tại Đền Bến Dược có 44.520 liệt sĩ được khắc tên, trong đó có 9.322 liệt sĩ trên 40 tỉnh thành khác đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sau lễ viếng Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, đoàn đại biểu đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi, xã An Nhơn Tây. Tại đây, đoàn đại biểu cũng, dâng hoa, dâng hương, tri ân các thế hệ lãnh đạo, các bậc lão thành cách mạng đã có những cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn cũng đến dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành tại Nhà tưởng niệm mẹ ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn