Theo đại diện cơ quan công tố, tất cả những người có mặt tại phiên tòa này đều hiểu rõ bối cảnh chung của vụ án.
Một số luật sư đặt câu hỏi tại sao không nêu công chống dịch của Việt Á?. Đối đáp lại, VKS khẳng định: "Bản chất là chống dịch để thu lời". Việt Á tham gia chống dịch nhưng thu lợi nhuận bất chính, sau đó dùng chính tiền này để hối lộ, chi phần trăm hoa hồng cho những bị cáo khác. Vì vậy không thể ghi nhận Việt Á có công lao chống dịch.
Nhiều luật sư trước đó cho rằng hình phạt VKS đề nghị quá nặng, song khi đối đáp, cơ quan công tố khẳng định đã cân nhắc rất nhiều, áp dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ và đưa ra mức án đề nghị thấp hơn nhiều so với khung truy tố.
Kiểm sát viên dẫn chứng phiên tòa xét xử các tội danh liên quan vụ Việt Á, trong đó có tội khung hình phạt cao nhất lên tới tử hình, tuy nhiên, không bị cáo nào bị đề nghị hình phạt này.
"Vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân sách Nhà nước, tiền này chính là tiền thuế của người dân", đại diện VKS cho hay.
Đối đáp lại ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN) về việc ông Hùng không có động cơ vụ lợi, VKS cho rằng những nội dung tin nhắn giữa ông Hùng và Phan Quốc Việt đã chứng minh điều ngược lại.
Trích dẫn một số bút lục, kiểm sát viên cho hay trong tin nhắn giữa ông Trịnh Thanh Hùng và Phan Quốc Việt, Việt gọi kit test là: "kit ông Hùng", ý muốn nhấn mạnh công lao rất lớn của ông Hùng trong việc đưa Việt Á tham gia nghiên cứu sản xuất test.
Một tin nhắn khác giữa 2 bị cáo trên được VKS trích dẫn có câu "làm CCCD sớm không mờ vân tay". Đại diện cơ quan công tố cho biết đã lấy lời khai của các bị cáo và xác định "mờ vân tay" ở đây ám chỉ việc "đếm nhiều tiền".
Tiếp tục với bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN), VKS dẫn lại ý kiến của luật sư bị cáo này rằng "Việt không thể mang 200.000 USD bằng máy bay từ Đà Nẵng đi Hà Nội".
Đại diện cơ quan công tố khẳng định điều này hoàn toàn có thể, và chính bị cáo Phan Quốc Việt từng mang theo người số tiền 1 triệu USD. Cáo buộc ông Tạc nhận 50.000 USD từ Phan Quốc Việt, VKS khẳng định là khách quan, chính xác.
Trước đó, viện kiểm sát đã đề nghị mức án cho 38 bị cáo thuộc 6 nhóm tội, với mức án cụ thể như sau:
Nhóm bị xét xử về các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ":
1. Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, bị đề nghị 15-16 năm tù tội vi phạm đấu thầu, 15-16 năm tù tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt 30 năm tù. Trước đó, Việt bị Tòa quân sự phạt 25 năm tù (án chưa có hiệu lực pháp luật).
2. Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, bị đề nghị 8-9 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu, 8-9 năm tù tội đưa tối lộ, tổng hợp 16-18 năm tù. Trước đó, Hiệp bị Tòa quân sự phạt 6 năm tù (án chưa có hiệu lực pháp luật).
Nhóm bị xét xử tội "nhận hối lộ":
3. Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, 19-20 năm tù.
4. Nguyễn Huỳnh, cựu Phó phòng giá, Cục Quản lý dược, từ 9-10 năm tù.
5. Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình Bộ Y tế, 8-9 năm tù.
6. Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, từ 8-9 năm tù.
7. Trịnh Thanh Hùng, cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 14-15 năm tù. Trước đó, ông Hùng bị Tòa quân sự phạt 15 năm tù (án chưa có hiệu lực pháp luật).
8. Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, từ 13-14 năm tù.
Nhóm bị xét xử tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí":
9. Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 3-4 năm tù.
10. Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 3-4 năm tù.
Nhóm bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ":
11. Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý nguyên phó thủ tướng, từ 7-8 năm tù.
12. Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, từ 5-6 năm tù.
13. Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, từ 5-6 năm tù.
Nhóm bị xét xử tội "đưa hối lộ":
14. Phạm Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính trong Công ty Việt Á, từ 4-5 năm tù.
15. Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á, từ 4-5 năm tù.
Nhóm bị truy tố tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng":
16. Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á, từ 36-48 tháng tù.
17. Lê Trung Nguyên, nhân viên Công ty Việt Á, 36-42 tháng tù.
18. Trần Tiến Lực, nhân viên Công ty Việt Á, 36-42 tháng tù.
19. Nguyễn Mạnh Cường, cựu kế toán trưởng CDC Hải Dương, 30-36 tháng tù.
20. Nguyễn Thị Trang, cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính, Sở Tài chính Hải Dương, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
21. Lâm Văn Tuấn, cựu Giám đốc CDC Bắc Giang, 6-7 năm tù.
22. Ngụy Thị Hậu, cựu Phó phòng tài chính, CDC Bắc Giang, 36-42 tháng tù.
23. Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Phan Anh (Bắc Giang), 42-48 tháng tù.
24. Phan Thị Khánh Vân, nghề nghiệp tự do, 4-5 năm tù.
25. Vũ Văn Doanh, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thăng Long, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
26. Tạ Ngọc Chức, Giám đốc Công ty Thẩm định và Đầu tư Toàn Cầu, 24-30 tháng tù.
27. Nguyễn Văn Định, cựu Giám đốc CDC Nghệ An, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
28. Nguyễn Thị Hồng Thắm, cựu Kế toán trưởng CDC Nghệ An, 24-30 tháng tù cho hưởng án treo.
29. Hồ Công Hiếu, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá Miền Nam, chi nhánh Nghệ An, 24 - 36 tháng tù cho hưởng án treo.
30. Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương, 10 tháng 4 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).
31. Tiêu Quốc Cường, cựu Kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương, 4-5 năm tù.
32. Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên CDC Bình Dương, 2-3 năm tù.
33. Trần Thanh Phong, Phó phòng tài chính, CDC Bình Dương, 24-30 tháng tù cho hưởng án treo.
34. Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty VNDAT, 3-4 năm tù.
35. Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc dự án Công ty VNDAT, 30-36 tháng tù.
36. Ninh Văn Sinh, cựu Phó giám đốc Công ty định giá Trung Tín, 18-24 tháng tù.
Nhóm bị xét xử tội "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi":
37. Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo Dục, 3-4 năm tù.
38. Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám đốc Công ty SNB Holdings, 30-36 tháng tù cho hưởng án treo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn