Nâng cao hoạt động giáo dục truyền thống
Ngay sau khi có kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2022, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Lữ đoàn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về 91 năm truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông qua sinh hoạt giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, hệ thống bảng tin, băng rôn và truyền thanh nội bộ. Đẩy mạnh các hoạt động "Ngày đoàn viên", "Ngày thứ Bảy tình nguyện" và "Ngày Chủ nhật xanh". Trong đó tập trung cải tạo, củng cố cảnh quan môi trường, bồn hoa cây cảnh của đơn vị và trên địa bàn đóng quân.
Trung úy Phạm Xuân Trường, Trợ lý công tác quần chúng, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn 146 cho biết: Cán bộ, đoàn viên toàn đoàn cơ sở luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào đoàn. Hưởng ứng tháng thanh niên năm 2022, Đoàn cơ sở Lữ đoàn phát động và đã tổ chức xây dựng, củng cố được 15 công trình thanh niên, làm mới hàng trăm panô, khẩu hiệu tuyên truyền. Bên cạnh đó, chăm sóc hơn 800m2 vườn hoa thanh niên ở các cơ quan và đơn vị. Những việc làm đó đã góp phần thiết thực vào kết quả xây dựng đơn vị chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Hiệu quả mô hình "Vì Trường Sa xanh" và nói không với rác thải nhựa
Cũng hướng tới "Tháng thanh niên", các đơn vị thuộc Lữ đoàn 146 đóng quân trên quần đảo Trường Sa đã có nhiều hoạt động thiết thực, sát với tình hình thực tiễn đơn vị, như: Xây dựng cảnh quan môi trường, thu gom rác làm sạch bờ biển; duy trì tốt mô hình "Vì Trường Sa xanh". Với mục đích trồng và chăm sóc cây xanh để cải tạo môi trường tự nhiên, che chắn sóng gió, mô hình "Vì Trường Sa xanh" đang phát huy hiệu quả. Binh nhất Nguyễn Ngọc Trung, chiến sĩ đảo Nam Yết chia sẻ: "Mỗi đoàn viên, thanh niên của đảo luôn phát huy vai trò xung kích sáng tạo của tuổi trẻ, bằng những công việc cụ thể, thiết thực, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Việc trồng và chăm sóc cây xanh được các cán bộ, đoàn viên trên đảo vận dụng sáng tạo, linh hoạt. Số lượng cây xanh được quản lý chặt chẽ, đánh số thứ tự theo từng loại rất khoa học để thuận lợi trong công tác quản lý, chăm sóc và bàn giao. Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ cho chi đoàn, phân đoàn và đến từng đoàn viên, thanh niên quản lý từng khu vực cây cụ thể. Mỗi cán bộ, đoàn viên trước khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo đều tự tay chiết, ươm từ 1 đến 2 cây xanh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ ra đảo thực hiện nhiệm vụ sưu tầm các loại hoa, cây xanh phù hợp với khí hậu của biển, đảo mang ra để trồng. Hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh được đưa vào chỉ tiêu thi đua của từng đơn vị trên đảo.
Cơn bão số 9 cuối năm 2021 đã đổ bộ trực tiếp vào đảo Song Tử Tây gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Hàng ngàn cây xanh bị quật gãy đổ, rau xanh trên đảo bị dập nát, nước biển cuốn trôi, hệ thống giếng nước ngọt của đảo nhiễm mặn.
Tuy nhiên, ngay sau bão, quân và dân trên đảo đã tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả, cải tạo cảnh quan môi trường, thau chua rửa mặn, trồng lại cây xanh, quy hoạch lại vườn rau xanh để nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt và công tác.
Theo Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, việc nhanh chóng trồng và chăm sóc cây xanh, tăng gia trên đảo được các cán bộ, đoàn viên và nhân dân xác định là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện ngay bởi trước thách thức của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Bởi chỉ có cây xanh mới mang lại không khí trong lành, giúp quân và dân trên đảo thích ứng với thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa. Đến nay, màu xanh của cây cối đang dần phủ khắp đảo Song Tử Tây.
Bên canh việc trồng, chăm sóc cây xanh, cán bộ, đoàn viên toàn cơ sở còn luôn tích cực tham gia bảo vệ môi trường và nói không với rác thải nhựa. Do đặc thù hoạt động ở môi trường biển, đảo, vì vậy lượng rác thải rắn từ những vỏ đồ hộp rất nhiều. Ngoài ra, rác thải từ các nguồn khác bị sóng biển đánh dạt vào đảo tạo thành những bãi rác trên các bãi cát, bờ kè. Rác thải rắn được cán bộ, đoàn viên trên các đảo tổ chức thu gom, phân loại, đóng thành bao, tập kết tại một vị trí để sau đó chuyển vào đất liền xử lý hoặc tái chế. Rác thải hữu cơ được phân loại, chôn ủ làm phân cải tạo đất, phục vụ tăng gia và trồng cây xanh trên đảo.
Thượng tá Tiên Quang Sự, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 đánh giá: "Đoàn cơ sở Lữ đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu biển, đảo quê hương, truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; xây dựng ý thức tự giác, phát huy vai trò xung kích sáng tạo của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chấp hành kỷ luật, thực hiện nền nếp chính quy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn