Doanh nghiệp của 2 “nữ tướng” phải trả cả ngàn tỷ đồng cho Vạn Thịnh Phát kinh doanh ra sao?

06:30 | 18/04/2024;
Phán quyết của HĐXX về vụ án Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp 2 "nữ tướng", bà Như Loan và bà Việt Thanh cần phải hoàn trả lại lần lượt 2.900 tỷ đồng và 2.300 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử đã tuyên đọc bản án dành cho 86 bị can trong vụ Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan.

Để đảm bảo thi hành án, loạt cá nhân tổ chức phải hoàn trả lại tiền cho Vạn Thịnh Phát, trong đó, 2 "nữ tướng" - bà Nguyễn Thị Như Loan và bà Trần Thị Việt Thanh phải hoàn trả cho bà Trương Mỹ Lan số tiền lên tới vài nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG, HOSE) của nữ CEO Như Loan hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo là 2.882,8 tỷ đồng. Và CTCP Địa ốc Hồng Phát của nữ chủ tịch Việt Thanh phải nộp lại số tiền 2.355 tỷ đồng.

Được thành lập năm 1994, công ty Quốc Cường Gia Lai hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản, thủy điện và trồng cây cao su.

Bà Nguyễn Thị Như Loan là Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai và là mẹ của doanh nhân Cường Đô La.

Mặc dù đối diện trước thông tin bất lợi trên, trái với suy đoán của nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn duy trì chuỗi tăng nóng.

Đặc biệt, trong phiên 15/4, bất chấp thị trường giảm mạnh 60 điểm, QCG vẫn tiếp tục đà tăng với 4%, thanh khoản tăng vọt, gấp 3 lần khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất, 4,7 triệu cổ phiếu được sang tay.

Doanh nghiệp của 2 “nữ tướng” phải trả cả ngàn tỷ đồng cho Vạn Thịnh Phát kinh doanh ra sao?- Ảnh 1.

QCG tăng trần liên tiếp bất chấp biến động thị trường (Ảnh: SSI iBoard)

Đến phiên 17/4, thị trường tiếp tục mất thêm 22,7 điểm, QCG vẫn tăng "tím" tới 6,7% (tăng mạnh nhất trong 4 phiên liên tiếp), đạt thị giá tại 16.700 đồng/cp.

Sau 4 phiên tăng "trần", giá trị của QCG tại sàn tăng thêm 23,7%, từ 13.500 đồng/cp lên 16.700 đồng/cp.

Đồng nghĩa với điều này, nữ CEO Như Loan đã "bỏ túi" hơn 300 tỷ đồng vào tài sản của mình tại sàn sau chuỗi tăng dài vừa qua. Cụ thể, với gần 102 triệu cổ phiếu QCG (chiếm 37,05%), bà hiện đang là cổ đông lớn nhất tại QCG, tài sản đã tăng lên 1.703,4 tỷ đồng.

So sánh khoản tiền phải trả cho bà Trương Mỹ Lan, số tiền này đang gấp 100 lần so với số tiền mặt hiện có của công ty (28,8 tỷ đồng) và chiếm khoảng 30% tổng tài sản (9.567 tỷ đồng) tại QCG.

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, QCG thu về 432,5 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng từ đó mà "lùi" về 3,2 tỷ đồng, giảm tận 90% so với năm 2022.

Diễn biến lợi nhuận sau thuế những năm qua tại QCG

Doanh nghiệp của 2 “nữ tướng” phải trả cả ngàn tỷ đồng cho Vạn Thịnh Phát kinh doanh ra sao?- Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp BCTC

Lý giải về kết quả trên, công ty cho biết, năm vừa qua, ngành bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn. Thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo vẫn trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện; thủ tục triển khai dự án đều không được giải quyết. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng tăng, gây áp lực lớn cho khách hàng và doanh nghiệp. Các yếu tố không thuận lợi trên khiến nhu cầu giao dịch bất động sản giảm, dẫn đến việc doanh thu và lợi nhuận đều giảm.

Cùng lúc đó, CTCP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) và nữ chủ tịch Trần Thị Việt Thanh đều khá kín tiếng trước truyền thông.

Được thành lập vào năm 2005, công ty Hồng Phát chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, môi giới các sản phẩm bất động sản.

Liên quan đến tình hình kinh doanh, nhiều năm qua, các dự án bất động sản của Công ty Hồng Phát tại Long An vẫn trong trạng thái "giậm chân tại chỗ", thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dự án được tỉnh Long An phê duyệt chủ trương từ năm 2003, cấp giấy chứng nhận lần đầu vào năm 2008 với diện tích 311 ha với nhiều dự án thành phần: Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bô đua ngựa tại huyện Đức Hoà. Dự án mới chỉ được triển khai, thực hiện được một phần, còn hàng trăm hecta bị bỏ trống, gây khó khăn, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Theo thông tin từ báo Đầu tư vào tháng 7/2022, do vụ việc thi hành án theo Phán quyết trọng tài về việc lập liên doanh để thực hiện các dự án tại tỉnh Long An, gặp khó khăn, phức tạp và có yếu tố nước ngoài, đã kéo dài ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cục Thi Hành án dân sự tỉnh Long An đã có đề xuất UBND tỉnh đưa vụ việc vào danh sách các vụ việc thuộc thẩm quyển của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm trả, giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, dẫn đến hệ quả này còn đến từ câu chuyện bị "ép liên doanh" giữa Công ty China Policy Limited (Công ty CPL, trụ sở tại British Virgin Islands) và Công ty Hồng Phát. Cụ thể, năm 2007, 2 công ty đã bắt tay góp vốn đầu tư dự án.

Tuy nhiên, do chính sách đất đai thay đổi, chi phí đền bù, tái định cư tăng,… 2 công ty đã xảy ra mâu thuẫn. Tới năm 2023, Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra phán quyết lập liên doanh giữa 2 công ty nhưng 2 công ty vẫn không có động thái tự nguyện liên doanh.

Tính tới năm 2023, các dự án kể trên đã tròn 15 năm "bất động".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn