Doanh nghiệp cần tự thay đổi để thích ứng với xu hướng kinh doanh mới

16:50 | 12/05/2022;
“Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định.

Tại Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" tổ chức ngày 12/5 ở Hà Nội, các nhà quản lý, nhà khoa học, một số hiệp hội, doanh nghiệp… đã nhận định tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Doanh nghiệp cần tự thay đổi để thích ứng với xu hướng kinh doanh mới - Ảnh 1.

Diễn đàn "Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội

Nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Việt Nam. Qua 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. 

Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 với tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn…

Doanh nghiệp cần tự thay đổi để thích ứng với xu hướng kinh doanh mới - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (ban hành tại Nghị quyết số 11/NQ-CP tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7%/năm giai đoạn 2021-2025.

Cần có sự nỗ lực của tất cả các bên

Trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ (Chương trình), ông Phan Đức Hiếu cho rằng, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính. 

Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. 

Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. 

Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, để Chương trình thực sự là "phao cứu sinh" phục hồi và vực dậy nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. "Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới", ông Phan Đức Hiếu cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn