Chiều 16/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp" để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh Covid -19, phục hồi kinh tế Thủ đô với sự tham dự của trên 65 đơn vị đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều công ty, tập đoàn lớn...
Tập đoàn TH muốn đầu tư trồng rau sạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đánh giá: "thành phố sạch sẽ, bình yên trong dịch bệnh" và bày bỏ mong muốn được đóng góp vào chương trình trồng thêm 600.000 cây xanh của TP. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đồng tình với bà Hương và nhấn mạnh các quận huyện cần tranh thủ thời điểm này để chỉnh trang về đô thị như vỉa hè, công viên…
Tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh, thành phố sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Bí thư Thành ủy dẫn chứng: "Ngay ở Ba Vì đang có 41 hecta có thể làm rau sạch, nhà đầu tư có thể lên làm việc ngay. Thành phố cũng giảm bớt diện tích trồng hoa để tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đây là cơ hội chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp".
Trước thông tin về 41 hecta đất ở Ba Vì có thể đầu tư nông nghiệp ngay, bà Thái Hương mong muốn được đầu tư ngay vào dự án này để trồng rau sạch cung cấp cho Hà Nội.
Chủ tịch Tập đoàn BRG đề nghị Hà Nội cho khách sạn, sân golf mở cửa lại
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, từ khi có ca bệnh dương tính đầu tiên đến nay, được đánh giá là địa phương có nguy cơ cao nhất nhưng Hà Nội đã và đang kiểm soát dịch bệnh một cách quyết liệt; đã kiềm chế mức độ lây nhiễm một cách đáng khâm phục, tạo niềm tin lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga đề nghị thành phố Hà Nội nhanh chóng cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf kèm theo các điều kiện về an toàn để giảm tổn thất cho doanh nghiệp.
"Cụ thể như nhóm chơi golf không quá 8 người, đứng cách xa nhau 2m để giảm tổn thất cho doanh nghiệp vì phải duy trì chi phí vận hành trong khi không có nguồn thu. Hàng nghìn công nhân của chúng tôi đã phải nghỉ việc" - bà Nga phát biểu.
Bà Nga cho biết, doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, dịch vụ và kiến nghị giảm 50% mức thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền thuê đất năm 2020. Thành phố nên trích ngân sách để lập Quỹ kích cầu du lịch; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ngay sau khi hết dịch tại những thị trường trọng điểm để thu hút khách.
Vingroup lỗ hơn 13.000 tỷ đồng các mảng giáo dục, ôtô, xe máy
Đại diện Tập đoàn Vingroup chia sẻ những khó khăn của tập đoàn như hoạt động sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy, điện thoại... đang bị thiếu linh kiện, phụ tùng nên bị ngưng trệ, thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng; các dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng hầu hết đóng cửa không hoạt động gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng. Mảng bất động sản, trung tâm thương mại cũng gặp khó khăn khi các cửa hàng phải đóng cửa chống dịch. Giải đua F1 cũng phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách hàng đã mua. Hoạt động giáo dục, Vinschool cũng phải đóng cửa.
Vì vậy, Vingroup đề nghị Trung ương kéo dài gia hạn thời hạn nộp thuế lên 1 năm; miễn tiền thuế đất năm 2020 đối với các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch.
Vingroup cũng kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch cục bộ chung; sớm công bố danh mục kêu gọi nhà đầu tư sử dụng đất sau khi hết dịch; tổ chức triển khai sớm các dự án đã được phê duyệt và GPMB xong; hỗ trợ các doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án được phê duyệt.
Cũng tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Việt Nam Airlines cho biết: "Đến giờ này, chúng tôi không đặt lỗ lãi nữa mà quan tâm vấn đề phục hồi như thế nào mới là quan trọng". Đại diện Vietnam Airlines mong muốn Hà Nội đẩy nhanh, mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các thủ tục.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh này khó khăn bủa vây nhưng cũng là cơ hội để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và đề xuất xây dựng hệ thống để nối tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm thuế giá trị gia tăng với một số mặt hàng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước; thành lập tổ "đặc nhiệm" để đồng hành, gặp gỡ doanh nghiệp hàng tuần, có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp...
Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, TP cam kết chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu và triển khai các giải pháp để gỡ vướng, hỗ trợ cho các DN phục hồi, phát triển kinh tế. Đảm bảo công khai minh bạch, tuyệt đối không có nhũng nhiễu, không được phép vi phạm, nếu cán bộ nào vi phạm là xét thêm tình tiết tăng nặng.
Bí thư Hà Nội giao Ban cán sự Đảng UBND tiếp thu ý kiến của hiệp hội các DN, các DN có văn bản gì góp ý thì gửi về một đầu mối. Khởi động lại tổ công tác để thường xuyên xem xét gỡ vướng các đề xuất của các doanh nghiệp. "Tôi sẽ đọc trực tiếp"- ông cho biết.
Liên quan đến các dự án, các vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ thì TP sẽ tiếp thu và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn