Doanh nghiệp giảm thu 20% có thể vay vốn từ gói 16.000 tỷ đồng

11:41 | 03/10/2020;
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và 9 tháng 2020, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã đề nghị sửa tiêu chí cho vay với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo gói 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Theo Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Sang quý III/2020, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, trong đó có vấn đề lao động, việc làm, an sinh. Tín hiệu đáng mừng là lực lượng lao động trở lại thị trường là 1,4 triệu người.

Riêng về việc làm, thị trường lao động phục hồi nhanh và ổn định trở lại, nhất là một số ngành nghề khó khăn gần đây với tỷ lệ thất nghiệp là 2,48% là cho phép được.

Doanh nghiệp giảm thu 20% có thể vay vốn từ gói 16.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Đối với về việc tạm hoãn đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, thời gian qua chúng ta cho tạm dừng chỉ được khoảng trên 300 tỷ, mới có 926 doanh nghiệp, 74.980 người được tạm dừng.

Doanh nghiệp hiện nay đóng 14%, người lao động đóng 8%, mà doanh nghiệp với cá nhân đều khó khăn, thì việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất là rất cần thiết.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Còn về những vướng mắc trong triển khai gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay để trả lương ngừng việc cho người lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, "đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay, bởi chúng ta đặt ra tiêu chí quá cao, quá khắt khe là doanh nghiệp không có doanh thu, không còn nguồn thu, không có tiền để trả lương thì mới được vay. Đặt ra tiêu chí đó thì doanh nghiệp đã "chết" rồi".

Do vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cho sửa đổi theo tinh thần Thường trực Chính phủ đã bàn là "doanh nghiệp có nguồn thu giảm 20% so với quý IV của năm 2019 và quý liền kề trước thời điểm xét hưởng, giảm 20% so với cùng kỳ 2019, thì được cho vay".

Cùng với đó, cần cắt giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp bằng cách lược bỏ các điều kiện thẩm định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, doanh nghiệp tự làm việc trực tiếp với ngân hàng, tự kê khai và chịu trách nhiệm về việc vay mình.

Còn về hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Đào Ngọc Dung cho biết, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhiều nước là thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam đã phải "đóng cửa". Vì vậy, việc đưa người đi lao động ở nước ngoài làm việc theo hợp đồng thời gian qua gặp rất nhiều hạn chế.

Theo ông Đào Ngọc Dung, trung bình mỗi năm có 148.000-150.000 người Việt Nam đi lao động nước ngoài. "Năm nay phải đóng cửa nên đến thời điểm này chỉ có 39.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đông", đại diện Bộ LĐ-TB&XH nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn