Doanh nghiệp gồng mình gánh lãi vay cũ

12:29 | 30/04/2024;
Hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã ra thông báo giảm lãi suất cho vay, đồng thời đưa ra nhiều gói vay ưu đãi nhưng thực tế, các khoản vay cũ vẫn đang ở mức lãi suất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Không thể vay tiếp vì không còn tài sản thế chấp

Chị Phạm Thị Ngà, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu ghế mây tre đan ở thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai), cho biết, công ty của chị đang có một khoản vay 7 năm tại một ngân hàng. Ban đầu, mức lãi suất cho vay là 9%/năm. Sau vài lần điều chỉnh, hiện tại mức lãi suất vẫn duy trì ở mức 8,5%/năm. 

"Khoảng 2 năm trở lại đây, kinh doanh khó khăn, doanh thu giảm rất nhiều nhưng công ty của tôi vẫn gồng mình trả lãi của khoản vay này. Ước tính, lợi nhuận làm ra chỉ đủ bù đắp lãi vay ngân hàng", chị Ngà chia sẻ.

Theo chủ doanh nghiệp này, mặc dù hiện nay lãi suất vay của ngân hàng đang ở mức thấp nhưng doanh nghiệp muốn vay lại không dễ. Bởi yêu cầu tiên quyết để được vay ngân hàng là doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp mà doanh nghiệp của chị đã thế chấp tài sản để vay khoản vay cũ rồi nên giờ không còn tài sản để thế chấp nữa. 

"Trong bối cảnh này, nếu được hỗ trợ giảm lãi suất với các khoản vay cũ và tiếp tục giải ngân thuận lợi hơn thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và nắm bắt được cơ hội của mình khi thị trường phục hồi", chị Ngà nói.

Bà Mạc Thị Mùi, Giám đốc một công ty may ở Hải Dương, cho biết, doanh nghiệp của bà đang có khoản vay 20 tỷ đồng tại một ngân hàng từ năm 2022 đến nay. "Thời điểm đó, chúng tôi chấp nhận vay với lãi suất 12%/năm vì lãi suất tiết kiệm tăng nhanh. Nhưng hiện lãi suất đầu vào đã về mức thấp kỷ lục, tại sao lãi suất cho vay vẫn neo ở mức 11% một năm", bà Mùi thắc mắc.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Tô Thị Tường Lan cho biết, trong năm 2022, lãi suất cho vay bằng USD chỉ khoảng 2%/năm, sau đó tăng dần lên 4%/năm và đến nay ở mức 5,5%-6%/năm. Trong khi đó, tỉ giá liên tục biến động mạnh thời gian gần đây, gây bất lợi đối với những công ty đang vay bằng ngoại tệ. 

"Còn với những đơn vị kinh doanh đang vay bằng VND cũng phải chịu lãi suất 8%-8,5%/năm. Đây là một mức lãi suất vượt quá khả năng chi trả", bà Lan nói.

Trong khi đó, Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được công bố hồi tháng 1/2024 cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, đa số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết, lãi suất huy động hiện ở mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 20 năm qua, song lãi suất với các khoản vay cũ vẫn duy trì ở mức cao. Ông Thân đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp "rắn" để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất các khoản vay cũ của doanh nghiệp.

Khi nào mới giảm lãi suất với khoản vay cũ?

Lý giải vì sao lãi suất cho vay mới giảm nhưng đối với các khoản vay cũ, lãi suất vẫn cao, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần phân tích, sau sự kiện của Ngân hàng SCB, hệ thống các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất huy động, có nơi lên đến 9%-10%/năm để thu hút khách hàng gửi tiền. 

Ở thời điểm đó, rất nhiều khách hàng chọn gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng và đến nay, các ngân hàng vẫn đang phải trả mức lãi suất tiền gửi cao như cam kết. "Tuy nhiên, áp lực này sẽ giảm dần, qua đó, ngân hàng sẽ giảm dần lãi suất cho vay dài hạn cho khách hàng", vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, hiện nguồn vốn trong ngân hàng rất dồi dào, đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư dả. Đặc biệt, lãi suất đã ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn làm ăn. 

Tuy nhiên, thực tế còn một số ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất với khoản vay cũ cao. Về phía Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay bình quân để người dân lựa chọn. 

"Từ cuối năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cũ", ông Tú nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn