Doanh nghiệp hưởng lợi khi thực hiện trao quyền cho phụ nữ

08:54 | 14/03/2024;
Trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp.

Đại diện Nestlé Việt Nam, một trong những doanh nghiệp ký "Tuyên bố ủng hộ các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ" (WEPs), cho biết việc ký kết WEPs là minh chứng cho cam kết của Nestlé Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền, tạo điều kiện để lao động nữ phát huy tiềm năng trong toàn bộ chuỗi giá trị. 

Việc vận dụng WEPs mang lại cho người lao động sự yên tâm lao động, cống hiến cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp này. 

"Tại Nestlé Việt Nam, nguyên tắc bình đẳng giới luôn được coi trọng, được hiện thực hóa qua những hành động, chính sách và chiến lược phát triển nhân sự, từ tuyển dụng, kế hoạch đào tạo, thăng chức, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là việc tạo điều kiện để lao động nữ cân bằng giữa công việc và gia đình. Tỷ lệ nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo trong công ty đạt 54%", Giám đốc ngành Hàng thực phẩm Công ty Nestlé Việt Nam Lê Bùi Thị Mai Uyên chia sẻ.

Bà Mai Uyên cho biết thêm, đối với cộng đồng, Nestlé còn thực hiện cam kết và các hành động nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ. Cụ thể là chương trình "Nestlé đồng hành cùng phụ nữ" phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam và chương trình NESCAFÉ Plan. 

Doanh nghiệp hưởng lợi khi thực hiện trao quyền cho phụ nữ- Ảnh 1.

Doanh nghiệp ký Tuyên bố ủng hộ các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, vào tháng 10/2023

Các chương trình và cam kết này nằm trong trụ cột Xã hội - Social của chiến lược thực hiện các sáng kiến bền vững ESG do Nestlé Việt Nam triển khai trong nhiều năm qua.

Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong ký kết WEPs. Hiện PNJ có gần 400 cửa hàng trên cả nước và hơn 7.000 nhân sự, trong đó có hơn 60% nhân sự là nữ. 

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho biết, công ty có những chương trình, chính sách đào tạo cho nhân sự nữ. Bên cạnh đó công ty cũng rất quan tâm đến đời sống, hoàn cảnh gia đình của lao động nữ, thực hiện chế độ khám sức khỏe cho người lao động, trong đó quan tâm việc tầm soát, khám các bệnh lý đặc thù của từng giới.

Tại Việt Nam, tính đến nay có 181 doanh nghiệp ký WEPs, thể hiện cam kết trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.

Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ là sáng kiến chung của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UN Global Compact). 

WEPs bao gồm 7 bước mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Khi ký WEPs, doanh nghiệp sẽ được hòa vào cộng đồng, mạng lưới hơn 8.000 doanh nghiệp trên toàn cầu thực hiện các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, qua đó, có cơ hội kết nối, nâng cao năng lực doanh nghiệp. 

Ngoài ra, việc có môi trường làm việc, chính sách bình đẳng giới chính là "chất xúc tác" giúp doanh nghiệp thu hút người lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn