Phớt lờ cảnh báo của Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm
Ngày 31/3, Bộ Tài chính đã ban hành 2 công văn số 3786/BTC-QLBH và 3790/BTC-QLBH lần lượt gửi đến các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ về việc liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19.
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ quán triệt trong toàn hệ thống, đại lý của doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về việc "yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19".
Không được sử dụng thông tin, hình ảnh về COVID-19 để giới thiệu, chào bán bảo hiểm. Bộ Tài chính thông báo để các doanh nghiệp biết và thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg kể từ ngày ký Công văn này, tức là từ 31/3/2020.
Trước đó, liên quan đến sản phẩm Bảo hiểm COVID-19, Cục quản lý giám sát Bảo hiểm đã nhiều lần gửi công văn đến các doanh nghiệp Bảo hiểm về dịch COVID-19 nhưng bị phớt lờ.
Cụ thể, ngày 03/3, ông Ngô Việt Trung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm ban hành công văn số 73/QLBH-NT trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp Bảo hiểm về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với lĩnh vực bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm lưu ý các doanh nghiệp Bảo hiểm một số nội dung.
Theo đó, quy định tại Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, được khám và điều trị miễn phí.
Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm lưu ý trong công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn rõ ràng về các chính sách, quyền lợi bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh người tham gia bảo hiểm được tăng cường; tránh trường hợp hiểu lầm với các quyền lợi đã được Nhà nước đảm bảo theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhằm hỗ trợ thêm quyền lợi cho các khách hàng mắc bệnh COVID-19 (miễn thời gian chờ, chi trả thêm quyền lợi, tạm hoãn/gia hạn đóng phí bảo hiểm,…) hoặc triển khai sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi liên quan đến dịch bệnh, đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nộp hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm, sửa đổi sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm cũng nêu rõ, sẽ ưu tiên thẩm định sản phẩm, trình Bộ Tài chính phê chuẩn, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp. Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm thông báo để các doanh nghiệp bảo hiểm biết và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Kế đến, ngày 24/3, ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm - cũng đã có công văn số 128/QLBH-PNT gửi đến các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ về việc triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe.
Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm viện dẫn quy định tại Khoản 3, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ: "Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai".
Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ chủ động rà soát, chấn chỉnh trong toàn hệ thống việc triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đảm bảo quy định pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp Bảo hiểm không tuân thủ quy định pháp luật, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm sẽ xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Mặc dù đã có cảnh báo và chỉ đạo quyết liệt từ Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính nhưng các doanh nghiệp vẫn rầm rộ chào bán sản phẩm. Chỉ đến khi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19 mới chịu dừng.
Chuyên gia Bảo hiểm - ông Nguyễn Tiến Hùng - phân tích, theo Điều 3, khoản 1 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh COVID-19 do virus SARS-COV2 là một loại "bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus" và được xếp vào nhóm A, tức nhóm nguy hiểm nhất. Cũng theo khoản 2, điều 48 Luật này thì "Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí".
Ngoài ra, luật này cũng quy định chặt chẽ về người tuyên truyền, thông tin dịch bệnh, nội dung tuyên truyền và những điều cấm. Ông Nguyễn Tiến Hùng đưa ra 2 căn cứ:
(1) Hậu quả thiệt hại do COVID-19 là của chung cộng đồng và nhà nước với vai trò quản lý xã hội sẽ dùng ngân sách và quỹ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh vận động từ các nguồn theo quy định của pháp luật để thực hiện các biện pháp chống dịch; trong đó, có việc khám, điều trị miễn phí cho người nghi nhiễm trong vùng dịch và người bị nhiễm. Khi công bố dịch, thiệt hại đó không còn thuộc riêng của mỗi người để phát sinh nhu cầu đảm bảo từ bảo hiểm thương mại;
(2) Việc tuyên truyền, bán sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chống COVID-19 dễ dẫn đến vi phạm quy định của luật về tuyên truyền, thông tin bệnh dịch: Sai chủ thể được tuyên truyền, tuyên truyền sai lệch, làm người dân hiểu sai lệch về dịch bệnh.
Ông Nguyễn Tiến Hùng đánh giá, trong khoảng 2-3 tuần qua, một số doanh nghiệp Bảo hiểm đã triển khai sản phẩm bảo hiểm COVID-19 và khá nhiều cá nhân, tập thể đã tham gia. Việc buộc dừng giới thiệu, bán loại sản phẩm này trước tiên sẽ gây lúng túng cho các doanh nghiệp Bảo hiểm và khách hàng bảo hiểm, nhất là những ai đã bỏ tiền mua loại hợp đồng này.
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: "Triển khai… sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn".
Khoản 8, Điều 1, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ
Chuyên gia Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, Bộ Tài chính mà trực tiếp là Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm cần có văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, dù dừng triển khai – bán sản phẩm bảo hiểm COVID-19 nhưng doanh nghiệp Bảo hiểm phải sớm khẳng định (hoặc từ chối) nghĩa vụ của mình đối với khách hàng đã mua. Đồng thời, cần xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch để có nội dung tư vấn nhóm khách hàng này sao cho phù hợp quy định về nội dung tuyên truyền dịch bệnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn