Chị Nguyễn Thu Hương, giám đốc một công ty chuyên về dược phẩm cho biết, cách đây ít lâu, doanh nghiệp của chị xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các loại thực phẩm chức năng cho sản phẩm mới ra mắt. Tuy nhiên, thay vì phải đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) như trước đây, chị nộp trực tuyến trên cổng thông tin Cục.
“Nộp hồ sơ theo hình thức này, nếu thiếu loại giấy tờ nào thì sẽ không gửi được mà phải bổ sung. Sau vài ngày, nếu hồ sơ không đạt, thiếu sót gì thì sẽ được trả lại để bổ sung. Như vậy, dịch vụ này tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Hơn nữa, hồ sơ thiếu loại giấy tờ nào mình cũng biết được ngay”, chị Hương chia sẻ.
“Nộp hồ sơ theo hình thức này, nếu thiếu loại giấy tờ nào thì sẽ không gửi được mà phải bổ sung. Sau vài ngày, nếu hồ sơ không đạt, thiếu sót gì thì sẽ được trả lại để bổ sung. Như vậy, dịch vụ này tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Hơn nữa, hồ sơ thiếu loại giấy tờ nào mình cũng biết được ngay”, chị Hương chia sẻ.
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là một trong những chủ trương của Bộ Y tế trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Cục An toàn thực phẩm là đơn vị đầu tiên thực hiện chủ trương này bắt đầu từ tháng 8/2014.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết, dịch vụ công cấp độ 4 đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể làm, nộp hồ sơ từ xa theo hình thức online. Điều này đã tiết kiệm rất nhiều chi phí đi lại, thời gian cho các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị không phải ở Hà Nội.
Hơn nữa, thành phần hồ sơ cũng được công khai, minh bạch trên cổng thông thông tin của Cục. Đặc biệt, trên cổng hiện rõ thành phần hồ sơ gồm những giấy tờ gì. Vì vậy, khi làm thủ tục, doanh nghiệp phải điền đẩy đủ thì mới xác nhận hồ sơ đã hoàn thành.
Ngoài ra, dịch vụ công trực tuyến được tích hợp luôn cả thanh toán lệ phí, chi phí nên doanh nghiệp có thể thanh toán online mà không cần phải đến Cục để nộp. Đó là chưa kể doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiều chi phí về in ấn giấy tờ, hồ sơ.
Cũng theo bà Nga, đây là tiến bộ lớn, là việc làm minh bạch của cơ quan quản lý. Bởi lẽ, trong dịch vụ công cấp độ 4 có quy định rõ thời gian trả lời của từng loại hồ sơ. Nếu quá thời gian đó, thì sẽ hiện báo động đỏ nên người thực hiện có thể biết và thực hiện. Hơn nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất thuận lợi khi thống kê, tiết kiệm được chi phí, nhất là mảng lưu trữ hồ sơ.
“Nếu phát hiện ra các lỗi, chúng tôi sẽ thông tin cho doanh nghiệp được biết để xử lý. Nếu bị lỗi do máy thì chúng tôi sẽ in ra và xử lý trên giấy. Dù vậy, chúng tôi cũng nỗ lực để dần hoàn thiện hồ sơ công trực tuyến cấp độ 4”, bà Nga nói.
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), để cải cách thủ tục hành chính, Bộ Y tế đang sửa đổi Nghị định 38/2012 theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, trong Nghị định 38 sửa đổi sẽ cắt giảm khá nhiều các thủ tục, trong đó có các thủ tục hành chính; giảm bớt thành phần, hồ sơ; giảm thời gian giai quyết thủ tục hành chính; phân cấp cho địa phương…
Ngoài ra, hiện nay, Bộ cũng đang xem xét, sửa đổi bổ sung Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực An toàn thực phẩm. Bộ cũng đã có những tổng kết, đánh giá về hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt của Nghị định 178; thẩm quyền xử phạt và thời gian kiểm tra đối với doanh nghiệp theo chỉ đạo của chính phủ, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh.