Doanh nghiệp và nông dân chật vật với giá mía đường giảm, tồn kho tăng

12:56 | 20/07/2019;
Những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất mía đường gặp phải tình trạng khó khăn, giá đường liên tục sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng; tác động trực tiếp tới đời sống của từng hộ nông dân trồng mía. Trong khi đó, giải quyết những khó khăn, bất cập của thị trường mía đường hiện nay đã vượt qua tầm của mỗi doanh nghiệp và người dân trồng mía…

Tồn kho mía đường tăng tới hàng trăm tỷ đồng

Chị Lò Thị Quyết, đưa chúng tôi thăm quan đồi mía nhà chị rộng hơn 3ha tại bản Nong Te, xã Kò Nòi (huyện Mai Sơn – Sơn La). Gia đình chị trồng mía hơn 10 năm nay cho thu nhập khá ổn định, bởi cây mía vốn rất dễ trồng, ít phảm chăm sóc. Đầu ra có Nhà máy chế biến mía đường Sơn La bao tiêu, nên bà con nông dân yên tâm trồng.

Cây mía chính là cây cho thu nhập ổn định và là cây thoát nghèo của bà con các dân tộc của nhiều xã huyện Mai Sơn. Với gia đình chị Quyết, mỗi năm được 1 vụ mía, trừ các chi phí phân, giống cây trồng cũng đem lại nguồn thu cho gia đình là hơn 100 triệu đồng.

Chị Quyết tâm sự, bắt đầu từ vụ mùa 2016 đền nay, nguồn thu từ cây mía trên địa bàn bắt đầu kém hơn. Giá mía nhà máy thu mua giảm sút, nguồn thu nhập của nông dân cũng vì vậy đã giảm xuống đáng kể. Thậm chí, có vụ mùa nhà máy phải trả chậm tiền thu mua mía của người dân. Còn phía người dân, giá cây mía xuống thấp, nên bắt đầu chuyển đổi tăng diện tích các cây ăn quá khác trên vườn đồi.

 

img20190706113243.jpg
Chị Lò Thị Quyết, hộ dân trồn mía tại bản Nong Te, xã Kò Nòi (huyện Mai Sơn – Sơn La). Ảnh H. Hòa

 

Trả lời PV Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến Mía đường Sơn La, cho biết: Những năm gần đây, tình hình sản xuất mía đường trên cả nước đều gặp khó khăn. Với nhà máy mía đường Sơn La, tính đến đầu tháng 7 này, lượng hàng tồn kho đã lên tới hơn 40.000 tấn đường, tương ứng với 500 tỷ đồng. Số hàng tồn kho này tương đương với lượng tiền trung bình mà công ty trả cho người nông dân trên địa bàn trong một vụ mùa sản xuất.

Mặc dù rất khó khăn như vậy, công ty vẫn giữ các chính sách giá thu mua mía đảm bảo cho bà con có lãi. Hiện nay, công ty đang thu mua của nông dân với giá 800 ngàn đồng/tấn, người dân vẫn lãi từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/tấn. Trong khi giá mía trong những năm gần đây liên tục giảm.

Ông Tài trăng trở với thực tế hiện nay, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp tiếp tục phải cầm cự, xoay sở. Giá mía đường tiếp tục ở mức thấp như hiện nay, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người nông dân trồng mía, khi doanh nghiệp không còn khả năng cầm cự để trả giá cao cho người dân.

Nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn của một loạt các công ty sản xuất chế biến mía đường trong nước vài năm qua, theo ông Nguyễn Văn Tài, là đường nhập lậu đang tràn lan trên thị trường nội địa. Cạnh đó, các hoạt động gian lận thương mại còn phổ biến, đặc biệt là hiện tượng “tạm nhập” nhưng không “tái xuất”.

 

img20190706092055.jpg
Giá mía đường giảm, tồn kho tăng, khiến diện tích trồng mía nguyên liệu đã giảm từ 30% đến 60%. Ảnh H. Hòa

 

Gian lận thương mại hủy diệt mía đường trong nước

Trước tình trạng nhức nhối của buôn lậu mía đường, mới đây Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị “tháo gỡ khó khăn đặc biệt nghiêm trọng của ngành mía đường”. Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: Niên vụ mía đường 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp chịu sự tác đông tiêu cực của giá cả thị trường trong nước và quốc tế, kết quả sản xuất của nhiều nhà máy đã giảm sút, thu lỗ. Từ niên vụ 2015/2016, đã có 17/30 nhà máy thu lỗ. Hộ trồng mía vì thế mà khốn đốn, sản xuất mía thu nhập thấp, phải bỏ ruộng hoặc phải chuyển sang cây trồng khác. Diện tích trồng mía nguyên liệu đã giảm từ 30% đến 60%.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, hoạt động buôn lậu đường qua biên giới vào nước ta vi phạm pháp luật trắng trợn và bùng nổ mạnh từ niên vụ 2015/2016. Đường lậu và gian lận thương mại xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan với quy mô lớn, nhập lậu qua biên giới Tây Nam với Campuchia và khu vực miền Trung nước Lào. Khối lượng nhập lậu trung bình khoảng 800.000 tấn/năm, đang hủy diệt ngành mía đường trong nước với nhiều phương thức khác nhau.Trong đó, là lợi dụng kẽ hở của chính sách tạm nhập tái xuất, đăng ký tạm nhập đường nguyên liệu để sản xuát ra các sản phẩm khác như sữa, bánh kẹo để xuất khẩu hoặc tạm nhập để tái xuất nhưng không xuất, mà đưa hàng vào tiêu thụ trong nội địa.  

 

img20190705161645.jpg
Lượng hàng tồn kho của Nhà máy chế biến đường Sơn La đã lên tới hơn 40.000 tấn, tương đương với 500 tỷ đồng. Ảnh H. Hòa

 Còn ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường MK, cho rằng, tình trạng nhập lậu đường hoành hành, "doanh nghiệp chịu thiệt hại một thì người nông dân chịu thiệt hại mười". Vì người nông dân nhiều năm gắn bó với cây mía vốn dễ trồng, mà được bao tiêu đầu ra, nhưng đang phải dần thay thế bằng các loại cây trồng khác chứa nhiều bất ổn về thị trường hơn.

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng: Cần có biện pháp cứng rắn với đường nhập lâu, thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật; bảo vệ được các doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính, giúp hàng hóa Việt Nam phát triển bền vững. Thực tế, cho thấy, tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường hiện nay đã vượt ra khỏi tầm của mỗi doanh nghiệp hay người dân. Ông Lộc cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc để đánh giá đúng bản chất các vấn đề khó khăn của ngành mía đường đẻ đưa ra các quyết sách đúng, làm trong sạch thị trường mía đường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt Nam. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn