Những năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển vượt bậc và sôi động trong top 3 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, loại hình bén lẻ qua cửa hàng tiện lợi có sức cạnh tranh rất khốc liệt, thì hàng Việt Nam đang có vị thế khá vững vàng ở địa hạt này.
Báo cáo triển vọng năm 2019 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, giai đoạn 2018 - 2025, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi là mô hình phát triển nhanh nhất trong các loại hình bán lẻ tại Việt Nam. Tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng năm của các cửa hàng tiện lợi của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2019 đang là 35,7%; cao hơn rất nhiều so với các quốc gia còn lại trong khu vực Đông Nam Á.
Loại hình bán lẻ qua siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang tạo ra sức hút mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn của nước ngoài như Circle K, 7-Eleven, Family Mart, Total…
Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong nước cũng đẩy mạnh phát triển loại hình bán lẻ này như VinMart, Hapro Food, Co.op Food, Bách Hóa Xanh…
Theo khảo sát của Deloitte Việt Nam, trong “địa hạt” này, doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 70%. Doanh nghiệp trong nước có khoảng gần 3.000 cửa hàng, riêng Vinmart 1.700 cửa hàng. Với cửa hàng tiện lợi thương hiệu nước ngoài chỉ hơn 600 cửa hàng.
Theo các nghiên cứu thì tăng trưởng bán lẻ hàng năm của các cửa hàng tiện lợi của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng mạnh mẽ. Theo VCBS dự báo, giai đoạn 2017 – 2021, dự kiến tốc độ trăng trưởng bán lẻ này đạt 37,4%.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, mặc dù diện tích các cửa hàng tiện ích khiêm tốn nhưng hệ thống này bám sát địa bàn khu dân cư, người mua có thể chọn lựa nhiều mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ. Thậm chí, các cửa hàng tiện lợi nhân thanh toán một số loại hóa đơn điện, nước, điện thoại... tạo sự thuận tiện tối đa cho người tiêu dùng.
Có thể nói, cửa hàng tiện lợi đã và đang mọc lên như nấm ở các thành phố lớn của Việt Nam, bởi loại hình này phù hợp với xu hướng tiêu dùng và có ưu thế hơn nhiều loại hình khác tại thị trường trong nước hiện nay. Ưu thế đầu tiên phải kể tới là sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Khách hàng có thể pha chế mì tôm, gọt hoa quả và ăn ngay tại cửa hàng tiện lợi – điều mà siêu thị hay chợ truyền thống khó đáp ứng được. Ưu thế tiếp theo là cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ.
Theo thống kê của Asia Plus, khoảng 80% số người được hỏi cho biết, họ chọn tới các cửa hàng tiện lợi để ăn uống. Các nhóm bạn trẻ thích tới cửa hàng tiện lợi bởi nơi đây có điều hòa, chỗ ngồi tiện lợi, có Wifi miễn phí và có thể ăn uống tại chỗ.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho răng: Mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ ngày càng phát triển trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ Việt phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng, mới chiếm lĩnh thành công thị phần.
Dư địa, tiềm năng để phát triển cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn của nước ta vẫn còn rất lớn. Tỷ trọng và mật độ cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam tương đối thấp, hiện nay chỉ chiếm chưa đến 10%; trong khi thị trường này ở các nền kinh tế khác chiếm trung bình trên 20%.
Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn với hơn 93,7 triệu người, cơ cấu dân số trẻ; dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipin là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...). |