Doanh nghiệp Việt “đua” nhau sản xuất quần áo từ cà phê, vỏ chai

17:35 | 11/02/2022;
Khoác trên mình chiếc áo sơ mi của một thương hiệu dệt may Việt Nam, chị Mai Anh, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, bất ngờ khi biết sợi vải được chiết xuất từ cây tre.
Đón đầu xu hướng thời trang "xanh"

Thương hiệu thời trang Việt Tiến đã tạo ra bộ sưu tập chất liệu "xanh" mang tên Bamboo và Tencel. Chất liệu Bamboo là loại sợi vải ứng dụng công nghệ sinh học được chiết xuất từ cây tre. Còn chất liệu Tencel được dệt từ bột gỗ của cây bắt nguồn từ rừng trồng.

Gần đây, một thương hiệu thời trang khác là Faslink công bố một loạt bộ sưu tập với chất liệu làm từ vải sợi cà phê, sợi bạc hà. Tổng giám đốc Faslink Trần Hoàng Phú Xuân xác nhận, ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang sử dụng chất liệu "xanh", an toàn với môi trường. Vì vậy, các nhà cung cấp nguyên liệu cho dệt may cũng nhanh chóng dịch chuyển theo xu hướng này. Tổng giám đốc Trần Hoàng Phú Xuân cho biết thêm, doanh nghiệp đã đầu tư 10.000 m2 xưởng với hơn 300 thiết bị và bộ rập cải tiến; đồng thời hợp tác với nhiều trung tâm nghiên cứu sản xuất nguyên liệu trên thế giới để đón đầu xu hướng "thời trang xanh".

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Dệt may Thành Công, cho biết, công ty đã lập một trung tâm R&D cách đây hơn 6 năm. Trung tâm được đứng đầu bởi một tiến sĩ ngành dệt may người Hàn Quốc. "Hiện chúng tôi đã làm những sản phẩm sợi tái chế từ vỏ chai, cung cấp cho các đơn hàng New Balance tại Nhật Bản. Khách hàng Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề xanh, sạch", ông Trần Như Tùng cho biết. Công ty này còn sản xuất đơn hàng cho các thương hiệu North Face, Adidas... dùng sợi tái chế từ vỏ chai, mía, bắp...

Có thể bị mất thị phần nếu không thay đổi

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn đóng góp lớn vào tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu hàng dệt may vẫn duy trì đà tăng trưởng, kim ngạch ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Doanh nghiệp Việt “đua” nhau sản xuất quần áo từ cà phê, vỏ chai - Ảnh 1.

Chất liệu Bamboo là loại sợi vải ứng dụng công nghệ sinh học được chiết xuất từ cây tre.

Tại những cuộc hội thảo gần đây, các chuyên gia đánh giá, dệt may của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại với các nước và khu vực đã ký kết. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức đối với các doanh nghiệp khi phải bảo đảm những yêu cầu của các hiệp định về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Mục tiêu "xanh hóa" đang là yêu cầu cấp bách trước chiến lược hiện đại hóa ngành dệt may.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS giảm được 15% lượng tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; trong đó có hai khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước. Do đó, chuyển đổi "xanh hóa" là vấn đề cấp bách. Các chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên... có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.

Một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cho thấy, đối với người tiêu dùng hiện đại, chất lượng sản phẩm không chỉ là độ bền mà sản phẩm phải vừa tốt cho sức khỏe người sử dụng, vừa bảo vệ môi trường. Khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu "xanh" và sạch.

Nhiều quốc gia cũng xem bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá sản phẩm, sự phát triển bền vững của các công ty. Điều này có nghĩa, các công ty Việt Nam đang phải đối mặt với yêu cầu thay đổi để bắt kịp xu hướng sản phẩm "xanh", nếu không muốn bị mất thị trường, giảm thị phần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn