Sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng bắt buộc trong phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết "xanh" và "sạch", sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tại chương trình tọa đàm "Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững", ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: "Theo tôi, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguồn nguyên vật liệu sơ cấp của chúng ta ngày càng cạn kiệt. Hơn nữa, ý thức của người dân về sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được nâng cao.
Việc các doanh nghiệp nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trên thế giới và ở trong các khu vực, đặc biệt là những khu vực có những tiêu chuẩn nâng cao hơn. Do vậy việc các doanh nghiệp nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE), chia sẻ: "Xu hướng sản xuất xanh, sạch hơn là một xu hướng tất yếu rồi. Chính vì vậy việc nó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp là đương nhiên. Ở đây nó sẽ ảnh hưởng theo cả 2 hình thức là chủ động và bị động. Chủ động có lẽ là việc sản xuất xanh, sạch bây giờ không thể đơn giản là một công đoạn, là một giai đoạn nào trong một chuỗi sản phẩm mà nó là một quá trình hình thành ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc triển khai và đến sau này là lúc kết thúc dự án.
Về vấn đề tác động theo hướng bị động là trong quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp sản xuất than nói riêng có cơ hội được tiếp cận với công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng và từ đó góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn. Ngoài ra có thể giúp cho hiệu quả dự án được nâng cao, đồng thời uy tín của doanh nghiệp trong thị trường cũng được nâng cao; các sản phẩm sản xuất ra cũng có tính cạnh tranh cao hơn trong thị trường hiện nay".
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam, nhận xét: "Có thể thấy xu hướng tiêu dùng xanh càng ngày càng mạnh mẽ hơn và nó tác động đến doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, nếu có những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ, thân thiện hơn với môi trường, những giải pháp mới và nếu có cách truyền tải những thông điệp, những ý nghĩa đó hiệu quả đến người tiêu dùng thì người tiêu dùng cũng có thể thay đổi lựa chọn, thay đổi hành vi tiêu dùng của họ. Chúng ta sẽ thấy tác động hai chiều giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp".
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương triển khai những hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững Cù Huy Quang cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào những khu công nghiệp, khu chế xuất. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh áp dụng những mô hình về tái chế, tái thu hồi, tái sử dụng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành có rất nhiều tiềm năng về tái chế của chúng ta như hiện nay.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững tại các địa phương.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ quan tâm chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông, làm sao để nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch và sản phẩm thân thiện với môi trường".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn