Nữ sinh đoạt giải Nhất quốc gia viết thư UPU được truyền cảm hứng bảo vệ môi trường từ mẹ

16:21 | 13/07/2020;
Vượt qua 600 nghìn bức thư và giành giải Nhất quốc gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49, nữ sinh lớp 7 Phan Hoàng Phương Nhi (trường THCS Duy Tân, TP Huế) nhờ bức thư gửi "mệ Sương bán xôi", thể hiện tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường.

Bất ngờ khi con đoạt giải Nhất

Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức với chủ đề: "Hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống". Bức thư gửi "Mệ Sương bán xôi" của Phan Hoàng Phương Nhi giành giải Nhất quốc gia, đang được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh để gửi đi dự thi quốc tế.

Với bức thư "Mệ Sương bán xôi", Phương Nhi gửi đến thông điệp bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, sự thay đổi về nhận thức đến hành động của một người phụ nữ giản dị, làm một công việc giản dị. Bức thư là câu chuyện kể của cô học trò chia sẻ về ước mơ về thế giới không còn túi nylon, hộp xốp với cách thể hiện hết sức độc đáo, gần gũi.

Đoạt giải Nhất quốc gia Cuộc thi UPU lần thứ 49 nhờ bức thư gửi "mệ Sương bán xôi" - Ảnh 1.

Phan Hoàng Phương Nhi (trường THCS Duy Tân, TP Huế)


Theo chị Huỳnh Thị Phương (mẹ của Phương Nhi), tình yêu môi trường của con có được là do mẹ truyền cho từ nhỏ và việc bảo vệ môi trường giờ trở thành thói quen của cả nhà. "Trước đây, tôi rất hay xem các chương trình về bảo vệ môi trường. Những lúc đó, tôi thường rủ các con xem cùng. Tôi nói cho con về ảnh hưởng của rác thải nhựa với các sinh vật biển, việc mất hàng trăm năm rác thải nhựa mới bị phân hủy. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi rất hạn chế dùng đồ nhựa 1 lần. Khi đi chợ, người bán hàng thường có thói quen gói thực phẩm bằng túi nylon nhưng tôi thường từ chối hoặc dùng ít nhất có thể. Tôi cũng thường xuyên nói với những người bán hàng về tác hại của túi nylon với môi trường để tác động dần đến sự thay đổi của họ. Con gái chứng kiến những việc làm đó hàng ngày của mẹ nên rất có ý thức trong việc không sử dụng túi nylon, hộp xốp".

Chia sẻ về quá trình con gái viết thư để tham gia Cuộc thi, chị Phương cho biết ý tưởng bức thư "Mệ Sương bán xôi" là do Phương Nhi nghĩ ra. "Ban đầu, khi con nói sẽ tham gia cuộc thi UPU, tôi "xúi" con viết về mẹ. Thế nhưng, con từ chối vì cho rằng viết về mẹ sẽ không đặc biệt, nhiều bạn cũng sẽ chọn mẹ để viết. Con chuyển sang viết về mệ Sương bán xôi - đại diện cho hàng ngàn người phụ nữ bán hàng trên vỉa hè ở Huế - để phản ánh về thói quen sử dụng túi nylon. Con viết xong cũng không cho mẹ xem nên tôi không biết bức thư con viết hoàn chỉnh thế nào. Chính vì vậy, khi con thông báo được giải, tôi không tin. Tôi phải gọi điện cho cô giáo để xác nhận lại. Tôi và con đều quá bất ngờ khi con được giải Nhất quốc gia. Bởi con chỉ là học sinh trường thường, không thể so sánh với các bạn học giỏi ở trường chuyên, lớp chọn trên toàn quốc".

Lan tỏa hành động đẹp

Ngoài tình yêu với môi trường, Phương Nhi còn có tình yêu với hội họa. Chị Phương chia sẻ, Phương Nhi rất thích vẽ và tham gia tất cả các cuộc thi vẽ ở trường, vẽ báo tường... Ngoài ra, Phương Nhi là cô bé sớm tự lập. Mọi việc học hành của mình, Phương Nhi đều chủ động và không bao giờ cần bố mẹ nhắc nhở. Thời gian nghỉ dịch Covid-19, em còn tự học tiếng Hàn qua internet. Nói về khả năng viết văn của con gái, chị Phương cho biết, Phương Nhi luôn đặt cảm xúc vào bài văn nên bài viết của em thường rất có hồn.

Đoạt giải Nhất quốc gia Cuộc thi UPU lần thứ 49 nhờ bức thư gửi "mệ Sương bán xôi" - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Điều chị Phương và Phương Nhi vui nhất là hiệu ứng rất tích cực sau cuộc thi. "Sau khi bức thư Mệ Sương bán xôi đạt giải, hàng xôi của mệ Sương được nhiều người đến mua, đặc biệt các em học sinh. Các em muốn được ăn xôi do mệ gói trong những chiếc lá chuối. Nhiều em cũng bắt đầu có ý thức hạn chế sử dụng túi nylon và hộp xốp. Những người bán hàng ở chợ giờ đặt cho mẹ con tôi biệt danh "lá chuối" và thay vì để thực phẩm vào túi nylon, họ gói thực phẩm cho tôi và nhiều người bằng lá chuối", chị Phương phấn khởi chia sẻ.

Với giải nhất cuộc thi quốc gia, Phương Nhi trở thành nữ sinh nổi tiếng trong trường và khu dân cư. Do không chơi facebook, không sử dụng điện thoại smartphone nên Phương Nhi không hề biết mình là người "nổi tiếng". Điều Phương Nhi và mẹ mong muốn sau cuộc thi là có thể thay đổi ý thức của các em học sinh về việc bảo vệ môi trường. "Tác động đến học sinh là cách nhanh nhất để tác động đến bố mẹ. Phương Nhi sẽ trích 1 triệu đồng trong giải thưởng của mình để tặng những bạn học sinh và mẹ thường xuyên có hành động bảo vệ môi trường", chị Phương cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn