Độc đáo chợ nón lá Gò Găng chỉ họp giữa đêm

17:31 | 25/04/2019;
Nón lá Gò Găng đã có từ rất lâu đời và nổi tiếng không chỉ với người dân tỉnh Bình Định, mà còn với người dân trong Nam, ngoài Bắc. Điều thú vị độc đáo nhất của thương hiệu nón lá này, là chợ chỉ họp tầm 3 giờ sáng và tan trước khi trời hửng sáng.

Chợ nón diễn ra dưới ánh đèn đường và đèn pin

Gọi là nón lá Gò Găng, bởi từ khi có nghề làm nón, người dân đem sản phẩm đến chợ nón Gò Găng (thuộc khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) để bán. Thực tế, nghề làm nón truyền thống trải khắp các địa bàn của thị xã An Nhơn, trong đó nhiều nhất là phường Nhơn Thành và xã Nhơn Mỹ.

 

cho-non6.jpg
Chợ hoạt động trong ánh đèn pin của người bán

Các bậc cao niên ở khu vực Tiên Hội bảo rằng, chợ nón này có nguồn gốc từ thời Tây Sơn. Thời ấy, ở Bình Định có nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) khá nổi tiếng, tuy nhiên loại nón này chủ yếu dành cho vua, quan. Còn nón lá Gò Găng ra đời trễ hơn, nhằm phục vụ cho những người lính trong nghĩa quân Tây Sơn. Sở dĩ chợ nón họp lúc gà gáy là vì họ tranh thủ bán mua để khi trời sáng còn ra đồng, hay làm các công việc khác.

 

cho-non5.jpg
Cước là nguyên liệu dùng để khâu nón

Chợ nón Gò Găng chỉ bán nón lá và các vật dụng làm nón, ngoài ra không bán món hàng nào khác. Các hoạt động bán mua diễn ra dưới ánh đèn đường hoặc đèn pin. Dù là chợ, nhưng không xô bồ ồn ào mà chỉ đủ làm lao xao một góc miền quê tĩnh mịch. Ở đây cũng chẳng ai tranh giành chỗ bán, những người đến sau bày biện hàng bên cạnh người đến trước, cứ thế nón được xếp thành hàng dài hai bên đường.

 

cho-non3.jpg
Lá sử dụng để chằm nón thường là lá dứa, lá kè

Nhiều du khách đến chợ nón để thưởng thức văn hóa độc đáo

Theo bà Huỳnh Thị Thu (58 tuổi, ở khu vực Tiên Hội), trước đây, chợ đông đúc hơn, bởi sản phẩm nón lá hay các nguyên liệu làm nón đều được người dân đem ra đây để bán. Còn bây giờ, phiên chợ ít người hơn, lý do là hầu hết những chiếc nón lá người dân làm ra đã được thương lái đến nhà thu mua từ chiều và tối hôm trước. Người dân đi chợ bây giờ chủ yếu là mua bán nguyên liệu làm nón.

 

cho-non1.jpg
Nguyên liệu làm nón được người dân đem ra chợ để bán

“Cách vài ba phiên chợ quê mới có một vài cụ già đem nón đến bán. Họ đem nón tới chợ bán, không phải vì thương lái không đến nhà thu mua, mà là muốn giữ lại cái tên gọi của chợ nón Gò Găng như xưa. Các cụ bảo, chợ nón thì phải có người bán nón mới đúng. Ngày xưa, họp chợ cũng có cái thú vị là mọi hoạt động mua bán đều diễn ra dưới ánh đèn dầu. Bây giờ hiện đại, có đèn đường chiếu sáng, nên không ai dùng đèn dầu như ngày xưa. Khi nào đèn đường tắt thì họ dùng đèn pin thay thế”, bà Huỳnh Thị Thu (58 tuổi, ở khu vực Tiên Hội) cho hay.

 

cho-non4.jpg
Người dân đi chợ bây giờ chủ yếu là mua bán nguyên liệu làm nón

Dù được thương lái đến nhà thu mua hay đem ra chợ bán, giá mỗi chiếc nón cũng từ 20.000 đến 40.000 đồng, tùy theo nón một hay hai lớp và tùy chất lượng. Sau khi thu mua, thương lái vận chuyển nón đi khắp mọi miền đất nước để tiêu thụ, có khi phân phối tận thị trường Lào, Campuchia.

 

cho-non2.jpg
Cách vài ba phiên chợ quê mới có một vài cụ già đem nón đến bán

Chợ nón Gò Găng có thể không được sầm uất như trước đây, nhưng chắc chắn cũng sẽ không biến mất. Bởi người làm nón nơi đây không ai muốn mai một nghề truyền thống và phiên chợ độc đáo do tổ tiên gây dựng. Hình ảnh những người phụ nữ miệt mài với từng mũi kim mũi chỉ, bàn tay mềm mại vuốt từng thếp lá để tạo nên nón lá Gò Găng cũng trở thành cao dao: “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi!”, hoặc: “Cưới nàng đôi nón Gò Găng/ Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn”.

Thông qua những chương trình quảng bá du lịch mà nhiều năm qua, nhiều du khách nước ngoài cũng như các đoàn du lịch đã tìm đến chợ nón để tham quan, tìm hiểu một nét văn hóa độc đáo của vùng đất này. Điều này cũng khơi gợi ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của chính quyền và người dân nơi đây.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn