Đến xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), chúng tôi gặp bà Vi Thị Dung (64 tuổi), người được mệnh danh là "bà tổ" về trang phục của người Thái ở miền Tây Nghệ An thời điểm hiện tại.
"Trước đây, chúng tôi sống trong vùng lòng hồ, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống tự cung tự cấp nên từ tấm bé, người phụ nữ Thái đã biết may vá, thêu thùa để phục vụ cho nhu cầu của mình. Người phụ nữ Thái nào cũng biết tự thêu cho mình những chiếc váy.
Biết thêu cũng là chuẩn mực để đánh giá một người con gái, người nào thêu đẹp thì được cộng đồng đánh giá cao. Ngược lại, phụ nữ không biết thêu thường bị xem thường, thêu xấu đồng nghĩa với vụng về", bà Dung chia sẻ.
Theo bà Dung, trong các hoạ tiết được thêu trên gấu váy của phụ nữ Thái nơi đây, rồng là con vật khó thêu nhất, đòi hỏi phải là người thợ có tay nghề cao mới làm được. Đây cũng là lý do một chiếc váy có hình thêu rồng thường có giá cao gấp 2-3 lần so với thêu những con vật thông thường.
Nếu không phải là người thêu giỏi, hình rồng sẽ không toát lên được sự sang trọng, uy nghi. "Một con rồng được thêu phải có hàng nghìn mũi kim nhưng các đường chỉ tuyệt đối không được chồng lên nhau, các chi tiết phải sắc sảo, tinh tế, đó mới là hình thêu đẹp", bà Dung nói.
Cũng theo bà Dung, hình rồng được thêu rất đa dạng về màu sắc, hình dạng, có thể là rồng xanh, rồng đỏ, rồng vàng, rồng có mào, có móng, rồng có vảy và không có vảy…
Theo quan niệm của phương Đông, rồng là biểu tượng của quyền uy. Còn với người Thái ở miền Tây Nghệ An, rồng vừa là biểu tượng của sức mạnh, sự quý phái, thành đạt vừa gần gũi với đời sống của con người, nhất là người lao động.
Trong tâm thức dân gian, người Thái ở miền Tây Nghệ An coi con rồng chính là nước, là mây, là gió, là mưa. Con rồng cũng như những con vật khác như: Trâu, bò, lợn, khỉ, gấu, hươu, nai… giúp đỡ, phụng sự con người.
"Nhiều người nói rằng, phụ nữ dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An thường thêu hình rồng trên váy. Thực tế, thiếu nữ người Thái không mặc váy có thêu hình rồng mà chỉ có phụ nữ đã có chồng, phụ nữ trung tuổi trở lên mặc", bà Dung khẳng định.
Bà Lay Thị Thơm, một người chuyên thêu những chiếc váy có hình rồng, cho biết: "Rất ít người chọn thêu rồng vì đây là hình thêu khó, vô cùng cầu kỳ. Hình thêu rồng có thể có nhiều hình dạng khác nhau theo trí tưởng tượng của con người nhưng nhất định phải toát lên sự quyền uy, sức mạnh, vừa thần bí vừa mộc mạc, gần gũi.
Rồng không được dữ dằn nhưng không quá hiền, nếu không biết hài hòa các yếu tố, hình tượng rồng trên gấu váy người Thái sẽ không còn đẹp nữa", bà Thơm chia sẻ.
Từ tấm bé, bà Dung đã được bà và mẹ cho làm quen với đường kim mũi chỉ. Khoảng 7-8 tuổi, bà đã thêu được váy và 12-13 tuổi đã là "tay thêu" có tiếng ở bản. Dù thêu giỏi nhưng trước đây, bà Dung cũng chỉ thêu váy cho mình và người thân, chưa phát triển thành hàng hoá.
Cách đây hơn 10 năm, khi thủy điện Bản Vẽ xây dựng, bà Dung và hàng nghìn người Thái chuyển về huyện Thanh Chương, lúc này tài nghệ của bà Dung mới có cơ hội thể hiện.
"Về Thanh Chương không có nhiều đất sản xuất như trước, tôi phải sang Lào và Thái Lan buôn bán. Những ngày trên nước bạn, tôi nhận thấy trang phục của họ rất giống với người Thái ở Nghệ An. Sau khi trở về Việt Nam, tôi quyết định thêu váy mang đi xuất ngoại", bà Dung kể.
Hiện tại, có hàng trăm phụ nữ Thái ở các huyện Thanh Chương, Tương Dương, Kỳ Sơn… làm theo đơn đặt hàng của bà Dung, vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng, bà Dung xuất khẩu sang Lào và Thái Lan 1.000 chiếc váy.
"Năm 2024 là năm Giáp Thìn nên những chiếc váy có hình thêu rồng khá đắt khách. Dù tôi đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Còn gì tuyệt vời hơn khi năm mới, những người phụ nữ Thái được khoác lên mình chiếc váy có hình thêu rồng, vừa cao quý, tràn đầy năng lượng vừa mang ý nghĩa may mắn, sung túc và thành công", bà Dung chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn