Những truyện ngắn trong "Da Gấu và Chuyện Trương Bốn" đa phần đều được viết với cách tiếp cận ăm ắp phận đời, lan tỏa tiếng cười để rồi mang đến cái kết đầy bất ngờ, nhưng vẫn nhân văn và tươi sáng.
Nhân vật của Nguyễn Toàn Thắng, dù tốt dù xấu, đều đáng yêu, đáng thương. Cách nhìn trìu mến này làm cho những truyện ngắn càng trở nên nhẹ nhàng, dễ cho độc giả soi lại chính mình.
Như nhân vật Võ Thực trong truyện ngắn "Người da gấu năm 20xx". Y là một nhân vật mà độc giả thừa biết là hư cấu, không được xây dựng từ chân dung nào có thật trên đời. Y được gã phù thủy cho tiền tiêu rủng rỉnh trong suốt 5 năm, y như trong câu chuyện cổ tích Grim, nhưng khác ở chỗ với bộ da gấu này hắn không bị bất cứ ai nói là điên. Điều kiện này quá khó, tuy nhiên Võ Thực đồng ý khiến lão phù thủy mừng như bắt được vàng, bởi với lão, lâu nay không ai bán linh hồn cho quỷ bởi họ nói bán ở trần gian được giá hơn. Cuộc hành trình ấy gian nan và tạo ra cái kết cực kỳ bất ngờ ở những dòng cuối cùng.
Mỗi truyện ngắn, ngoài câu chuyện kịch tính, giọng văn hài hước rất đặc sắc không lẫn vào đâu, còn có những tục ngữ mới, những từ ngữ tạo trend của cuộc sống hôm nay vô vùng thú vị. Ví như khi cậu bé Tơn trong "Cào cào bay lên" trả lời câu đố giữa trời và đất là cái gì. Đơn giản chỉ là chữ và không hơn không kém. Hay những câu nói suồng sã như "người phải có lông nách, sống phải có phong cách" được đặt vào ngữ cảnh hợp lý hỏi lại khiến cho câu văn trở nên sống động, dễ gần với độc giả vô cùng. Dù câu chuyện được đề cập đến là xa lạ, nhưng vẫn gần gũi đến mức thân thuộc, như chuyện đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người.
Giọng văn hài hước lôi cuốn ấy còn phát huy tác dụng đến đỉnh điểm trong những truyện ngắn về đề tài showbiz. Nếu Vô cùng thương tiếc là một câu chuyện nực cười về tình trạng ăn theo người nổi tiếng ngay cả khi người ấy đã qua đời, thì Khẩu chiến vạch ra những chiêu trò cãi vã tranh luận trên mạng hay trên các phương tiện truyền thông để tự PR.
Nếu Diva xóm phố là lời cảnh tỉnh về sự ngộ nhận tài năng, sự bám đuổi ánh đèn sân khấu như con thiêu thân thì B.G là câu chuyện về một người mẫu nam xuất thân nông thôn phải tìm mọi cách để trụ lại với showbiz.
Mảng đề tài này nếu viết với phong cách hiện thực thì rất hay, tuy nhiên có phần tàn nhẫn. Với cách viết hài hước mà xen lẫn chua cay, dí dỏm mà ẩn sâu nhiều suy tưởng về con người, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng đã phác họa ra những nhân vật luôn quay cuồng trong ánh chớp số phận mà không thể dứt ra nổi.
Những nhân vật của chùm truyện ngắn về showbiz này, dù là một nhạc sỹ hết thời, một người mẫu hoang tưởng, hay một nhà văn có phần ngộ nhận về công việc của mình, đều không đem đến cho độc giả sự khó chịu, mà cảm giác chung là sự thương xót. Bởi độc giả cũng nhìn thấy một phần nào của mình trong đó. Cách kể chuyện không chú tâm tả cảnh hay tả tình, chỉ đưa ra những tình tiết có chủ ý để người đọc tự suy ngẫm cho riêng mình bằng chính giọng văn độc đáo, đầy lôi cuốn mà ta không dễ bắt gặp trong bộn bề hôm nay.
"Da gấu và Chuyện Trương Bốn", với độ dày gần 300 trang. Sách do công ty Sbooks liên kết với Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, với lời giới thiệu của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nhà văn Trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn