Lợp lại mái nhà của mình sau gần 20 năm sinh sống, chị Vàng Thị Thông, một người dân bản, cho biết, nhà của người Tày là nhà sàn lợp mái tranh hay lá cọ, bao bọc phần xung quanh nhà là ván gỗ hoặc liếp nứa.
Để lợp được mái nhà lá đẹp, phải có sự chung sức của các thành viên trong gia đình. Trước khi lợp mái nhà 1-2 tháng, gia chủ phải nhờ thầy xem ngày tốt, ngày được chọn phải không trùng với con giáp của tất cả các thành viên trong gia đình.
Khi xem xong ngày, chủ nhà sẽ lên rừng chọn tre để ngâm bùn. Tre được chọn phải là tre già, được kiểm tra bằng cách gõ con dao vào thân tre, người có kinh nghiệm sẽ biết cây tre nào đủ tiêu chuẩn.
Cây tre dù già nhưng bị sâu ăn ngọn hoặc bị cong thì cũng không đủ tiêu chuẩn. Tre lấy về được chẻ làm 4, làm sạch mắt tre rồi ngâm vào ruộng có nhiều bùn đặc trong khoảng 30 - 60 ngày để giúp tre không bị mối mọt.
Với mái nhà truyền thống được lợp bằng lá cọ, bà con phải chọn những tàu lá lành, lá khô ở trên cây và chỉ lấy lá cách ngọn từ tầng thứ 3 trở xuống. Mỗi tàu lá cọ thường được chia làm đôi và lợp theo một mặt sấp hoặc ngửa của lá.
Cứ hai hàng liền nhau thì cuống lá sẽ quay ngược hướng nhau. Một hàng dây được xoắn cũng từ lá cọ được luồn giữa các tàu lá lợp và khung mái để ken cho kỹ, nhà sẽ không bị dột.
Độ bền của mái lá cọ được lợp lên đến 20-30 năm. Những ngôi nhà lợp bằng mái lá cọ có độ bền cao và thân thiện với môi trường, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè.
Một điểm độc đáo trong văn hóa lợp mái nhà bằng lá cọ của người Tày là những người tham gia chủ yếu là phụ nữ. "Với sự khéo léo, tỉ mỉ, đây là công việc phù hợp với chúng tôi và chúng tôi rất vui khi chung sức lợp mái lá cọ, xây dựng ngôi nhà của gia đình mình", chị Vàng Thị Thông chia sẻ thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn