Độc đáo mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của người Bố Y ở Lào Cai

14:24 | 06/11/2024;
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của người dân tộc Bố Y, đã gặt hái được nhiều thành tựu khả quan, góp phần nâng cao niềm tự hào dân tộc, đồng thời tạo thành mặt hàng lưu niệm trong ngành du lịch ở địa phương.

Từ chương trình gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống…

Là một cộng đồng dân tộc trong nhóm ít người ở tỉnh Lào Cai, lại sống ở vùng giáp biên giới, những năm qua người Bố Y được tỉnh Lào Cai chú trọng tuyên truyền gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có trang phục.

Từ những chủ trương đó, người Bố Y đã chủ động thực hiện bảo tồn bằng cách phục dựng những kỹ thuật sản xuất trang phục truyền thống, vận động tuyên truyền sử dụng trong cuộc sống với phương châm: Mỗi người phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Đặc biệt, với chị em phụ nữ, ngoài việc trang bị cho mình bộ trang phục truyền thống, họ còn dạy cho con em những kỹ thuật sản xuất từ may áo váy, mũ đội đầu đến các bộ trang sức bằng bạc đi kèm, góp phần tôn lên vẻ đẹp bản thân đồng thời thể hiện ngưỡng vọng được bảo hộ, chở che từ các đấng thần linh.

Độc đáo mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của người Bố Y ở Lào Cai- Ảnh 1.

Trẻ em người Bố Y được các bà, các mẹ dạy cho cách sản xuất trang phục truyền thống để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình

Nghệ nhân dân gian người Bố Y Lồ Lài Sửu ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, cho biết: “Việc bảo tồn trang phục trong cộng đồng người Bố Y chúng tôi được sự hỗ trợ giúp đỡ rất lớn của ngành văn hóa tỉnh Lào Cai. Các cán bộ văn hóa đã thành lập mô hình sưu tầm phục dựng, tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo tồn và sử dụng trang phục truyền thống trong cuộc sống, đặc biệt là vào các ngày lễ Tết. Từ đó, người dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc gìn giữ văn hóa truyền thống nói chung và trang phục truyền thống của dân tộc mình nói riêng, góp phần nâng cao niềm tự hào cho người Bố Y chúng tôi”.

Ngay cả các học sinh người Bố Y, hàng tuần đều có những ngày sử dụng trang phục truyền thống khi đến trường. Việc này đã trở thành thói quen trong mỗi nhà trường ở trên địa bàn có người dân tộc Bố Y sinh sống. Không chỉ vậy, người Bố Y ở huyện Mường Khương còn trao truyền cho các thế hệ con em biết cách sản xuất trang phục truyền thống, từ đó duy trì việc gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống bền vững trong cộng đồng.

Đến sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc riêng

Từ việc bảo tồn và phát huy trong đời sống thường ngày, nhiều hộ gia đình đã tổ chức sản xuất trang phục truyền thống để bán thành một mặt hàng độc đáo cho khách du lịch khi họ đến với tỉnh Lào Cai.

Chị Giàng Thị Chá, chủ một cửa hàng kinh doanh trang phục dân tộc truyền thống ở huyện Si Ma Cai, cho biết: “Từ vài năm trở lại đây, chúng tôi đã nhập trang phục truyền thống của người dân tộc Bố Y ở huyện Mường Khương về bán cho khách du lịch. Đây là sản phẩm độc đáo, mang nhiều nét riêng biệt, khách du lịch họ rất thích. Tôi đã đến xã Thanh Bình đặt hàng với một số gia đình người Bố Y bên đó để họ sản xuất cung cấp cho cơ sở của chúng tôi”.

Độc đáo mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của người Bố Y ở Lào Cai- Ảnh 2.

Nghệ nhân dân gian người Bố Y Lồ Lài Sửu mở cửa hàng chuyên may mặc và bán trang phục truyền thống của người Bố Y tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

Không chỉ sản xuất và tiêu thụ tại cộng đồng, cho đến nay, sản phẩm trang phục truyền thống của người Bố Y còn được bán rộng rãi ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng và gửi cả về các cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm ở Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ ngành văn hóa tỉnh Lào Cai, cho biết: “Mô hình bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của người Bố Y đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan. Nó không chỉ giúp gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Bố Y, mà còn góp phần tạo thành một ngành sản xuất thủ công, từ đó giúp chị em có thêm việc làm và thu nhập ngay tại địa phương mình, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ gia đình rất tốt”.

Người Bố Y (hay còn gọi là Chủng Chá, Trọng Gia), là 1 trong 16 dân tộc rất ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam (chỉ với hơn 3.000 người theo số liệu điều tra năm 2019), cư trú chủ yếu ở một số tỉnh miền núi biên giới phía Bắc.

Tại tỉnh biên giới vùng cao Lào Cai, dân tộc Bố Y (còn được gọi là Tu Dí) có dân số gần 2.000 người, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Khương.

Một trong những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Bố Y ở Lào Cai là trang phục dân tộc. Hiện trang phục dân tộc của người Bố Y vẫn giữ được những yếu tố truyền thống như là biểu trưng của văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của tộc người.

Bộ trang phục nữ của người Bố Y cầu kỳ và đẹp gồm áo và quần làm bằng vải lanh. Chiếc áo của phụ nữ Bố Y có 2 loại, gồm áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo tứ thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ quan trọng. Chiếc áo ngoài có phần cổ và tay được thêu họa tiết cầu kỳ.

Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng… Bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn có chiếc tạp dề được làm tỉ mỉ, trang trí những họa tiết thêu hoa mẫu đơn với sắc hồng nổi bật.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn