Ngạc nhiên và thú vị
Đó là cảm nhận của nhiều người khi được ngắm những tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội). Từ những chiếc lá vàng rụng bên vỉa hè, anh đã tạo thành những bông hoa quyến rũ, có sức sống không kém gì những đóa hoa nhập khẩu đang khoe sắc. Tương tự, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng cũng sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật từ gỗ, vỏ quả khô hay bìa carton đã qua sử dụng.
Hoa làm từ lá rụng của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng
Từ góc nhìn và khả năng sáng tạo của những người yêu đồ tái chế, bất cứ loại phế liệu nào, từ gỗ vụn, chai thủy tinh, chai nhựa, lốp xe hỏng, vải vụn, giấy báo, quần áo cũ… cũng có thể được "hô biến" thành những đồ vật xinh xắn, đáng yêu hay những tác phẩm nghệ thuật. Thêm một vòng đời mới, những món đồ tưởng như không còn giá trị đã trở thành đồ vô giá. Không chỉ vậy, việc tái sử dụng còn góp phần giảm lượng rác thải, đặc biệt là rác thải khó phân hủy ra môi trường.
Hoa làm từ vỏ quả khô và Đồ chơi từ bìa carton của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng
Cơ hội kinh doanh từ phế liệu
Đó là câu chuyện của Nguyễn Thanh Ngọc Thảo (TP. Hồ Chí Minh). Ngọc Thảo có một cửa hàng mang tên "Made by Zy", được thành lập vào năm 2015. Cửa hàng kinh doanh những sản phẩm tái chế nhỏ xinh làm từ vải vụn. Thay vì thu gom đến điểm tiếp theo là bãi rác, Ngọc Thảo đã tận dụng vải vụn từ tiệm may của dì để tạo thành túi vải đựng ly nước uống hay đồ cột tóc. Sản phẩm được làm từ vải tái chế nên số lượng của những tấm vải này không nhiều, mỗi đợt chỉ làm được một hoặc vài mẫu, nên người sử dụng không lo bị "đụng hàng". Để sản phẩm thêm độc đáo, Ngọc Thảo còn kết hợp nhiều miếng vải tạo thành các họa tiết, hoa văn độc đáo. Những sản phẩm độc lạ, thân thiện với môi trường của Thảo đã được nhiều bạn trẻ yêu "sống xanh" lựa chọn.
Ngọc Thảo và một số sẢn phẩm của made by zy
Không chỉ vải vụn, nhiều phế liệu khác cũng được tái chế thành những tác phẩm nghệ thuật như tranh ghép từ vải vụn của Hợp tác xã Vụn Art hay các tác phẩm nghệ thuật được tái chế từ vỏ lon bia, gáo dừa… được bày bán trong những quầy hàng lưu niệm. Không phải đi đâu xa, không phải mất công tìm kiếm những chất liệu đắt đỏ, quý hiếm, với một chút quan sát, tưởng tượng và sáng tạo, ngay tại nhà, từ những đồ phế liệu, bạn cũng có thể tạo ra một thế giới đồ tái chế độc lạ.
Cách sáng tạo đồ dùng từ đồ phế thải
Để tái chế đồ phế thải tại nhà, bước đầu tiên là bạn tập hợp tất cả các món đồ lại và phân chia theo nhóm: Nhóm giấy, nhóm nhựa, nhóm thủy tinh... Sau đó, bạn cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, dụng cụ từ phế liệu để đảm bảo vệ sinh trước khi tái chế.
Để làm sạch phế liệu, bạn giặt/rửa sạch các vật dụng này với nước sau đó diệt khuẩn bằng cồn y tế hoặc dung dịch khử trùng. Tiếp đó, làm khô đồ dùng bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời >30 độ C hoặc sử dụng máy để sấy khô. Công việc vệ sinh đã hoàn thành, bạn có thể bảo quản phế liệu ở nơi sạch sẽ, khô ráo để tái chế. Tùy theo mục đích, sự sáng tạo của mình, bạn có thể tạo ra những món đồ trang trí, đồ dùng, đồ chơi…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn