Độc đáo thùng rác, bàn ghế làm từ chai nhựa phế thải

15:56 | 12/06/2017;
Thùng rác và bộ bàn ghế bằng sản phẩm rác thải tái chế vừa được nhóm sinh viên của khoa Công nghệ & môi trường, ĐH Đông Đô (Q.Hà Đông, Hà Nội), ra mắt, bất ngờ nhận được sự đánh giá cao của các thầy cô giáo và sinh viên.
Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện nhóm thiết kế thành công sản phẩm “bộ bàn ghế” bằng chai nhựa tái chế, cho biết: “Với đặc tính rẻ, bền, tiện lợi, đồ nhựa được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống và sau đó bị vứt bừa bãi ở nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Với sự tưởng tưởng và một chút khéo léo, những vỏ chai nhựa tái chế bỗng trở nên có ích, biến thành các đồ vật trong cuộc sống vô cùng hữu ích, đẹp và độc đáo. Bình thường, để mua được 1 bộ bàn ghế kiểu này, chắc chắn bạn cần chi 1 khoản tiền không nhỏ. Vậy hãy bắt tay vào cắt và ghép “những chiếc chai đã qua sử dụng” thành bộ bàn ghế như thế này”.
san-pham-tai-che6.jpg
 Bộ bàn ghế làm bằng chai nhựa tái chế, ngồi chắc chắn, nhẹ, tiện dụng, tiết kiệm

* Cách làm cái bàn. Nguyên liệu gồm: Chai loại to (1,5 lít); Bìa các-tông, báo cũ; Băng dính, keo, bút màu, dao dọc giấy, kéo.

- Bước 1: Bạn hãy lấy một chiếc chai nhựa làm trụ ở giữa, sau đó lấy các chai nhựa khác ghép xung quanh chiếc chai nhựa làm trụ kia sẽ tạo thành vòng tròn gồm 7 chiếc chai.

- Bước 2: Lấy băng dính để cố định những chiếc chai lại với nhau sao cho chắc chắn.

- Bước 3: Tương tự, bạn làm vậy thêm một vòng chai ở ngoài nữa, rồi cũng dùng băng dính cố định lại.

- Bước 4: Sau khi được một vòng tròn cố định bằng hai vòng chai, bạn tiến hành cắt bìa các-tông làm mặt bàn. Sao cho vừa với đường kính của những chiếc chai nhựa đã được tạo thành khuôn.

san-pham-tai-che5.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên của trường Đại học Đông Đô, thích thú với sản phẩm sáng tạo này của các sinh viên K20

- Bước 5: Dùng keo sữa kết dính phần bìa các-tông với phần chai nhựa để tạo cho mặt bàn có sự chắc chắn.

- Bước 6: Lấy giấy báo cuộn thành những nếp nhỏ để uốn thành những vân tròn trên mặt bìa các-tông, giả làm mặt bàn.

- Bước 7: Tiếp tục với phần thân bàn.

- Bước 8: Hoàn thiện sản phẩm.

* Làm thùng đựng rác: Cũng từ những chai nhựa phế phẩm, nhóm sinh viên K20 của ĐH Đông Đô đã thiết kế 1 loại thùng rác rất tiện dụng, chi phí thấp, dễ thực hiện, dễ sử dụng.

san-pham-tai-che3.png
 Các vật dụng chuẩn bị thiết kế thùng rác

Nguyên vật liệu: 96 chai nước loại 500ml; 200m dây thép mỏng; 1m lưới sắt; 2 tờ giấy AO; băng dính; kéo; bìa các-tông; kìm; keo 502, khúc tre.

Cách làm:

- Bước 1: Cố định các chai nước thành các khối hình vuông bằng dây thép, có chiều dài cạnh 30cm.

san-pham-sang-tao2.jpg
 Sinh viên Chu Tuấn Khoa thuyết trình sản phẩm thùng rác bằng chai nhựa trong ngày hội của trường

- Bước 2: Gắn lưới chắn rác vào đáy.

- Bước 3: Làm khung và ngăn chứa nước thải.

- Bước 4: Lắp ghép các bộ phận.

- Bước 5: Tạo slogan và hoàn thiện sản phẩm.

san-pham-tai-che7.jpg
 Sản phẩm tiện dụng, hữu ích và dễ dàng ứng dụng trong cuộc sống

Đây là 2 sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá cao tại cuộc thi sáng tạo hưởng ứng Ngày môi trường thế giới. Các ý tưởng đưa ra về tái chế chai nhựa thành các sản phẩm có ích trong cuộc sống đều có thể dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, với sản phẩm “Bàn ghế tái chế từ chai nhựa”, ngoài vật liệu là chai nhựa, Ban giám khảo gợi ý, các em nên thay vật liệu giấy báo cũ bằng vật liệu là túi nylon phế thải với các màu sắc khác nhau, kết hợp các hoa văn lấy từ vỏ hộp nhựa khác để tạo nên sản phẩm vừa đẹp, vừa chịu được mưa nắng khi để ngoài trời.

Với sản phẩm “Thùng rác tái chế từ chai nhựa”, Ban giám khảo góp ý nên tạo thành hình nón cụt, bên ngoài thùng rác có thể khuyến cáo nên đựng các phế thải vô cơ hay kim loại (vỏ lon nước ngọt, bia) có thể tái chế lại. Ngoài chức năng làm thùng rác, nên đưa ra các mẫu mã khác nhau để biến thành những vật dụng có ích khác như: đựng quần áo bẩn đem giặt, đựng đồ chơi trẻ em...

ban.jpg
Sản phẩm hiện được trưng bày tại Khoa Công nghệ môi trường của Đại học Đông Đô, Hà Nội

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn