“Đôi bàn tay vàng” tạo nên những chú chuột vàng

06:23 | 24/01/2020;
Cứ Tết con gì thì nghệ nhân Phạm Hoàng lại được đặt hàng tạo hình con vật đó. Bên cạnh những những sở trường khác trong nghệ thuật điêu khắc rau củ quả, chàng trai Ninh Bình này còn có sở trường điêu khắc 12 con giáp ít ai bì.

1. Nếu một lần ngồi xem Phạm Hoàng điêu khắc trên rau củ quả bạn sẽ cảm nhận ngay được niềm say mê và sự điêu luyện đến kinh ngạc qua từng đường dao gãy gọn, dứt khoát mà mềm mại. Trong phút chốc, những quả bí, cà rốt, su su… dần như được "thổi hồn" khiến những con vật hiện ra thật sống động và có duyên lạ lùng. Từ đôi tay khéo léo và đôi mắt tinh tế, chàng nghệ nhân này đã biến những củ, quả quen thuộc trở thành tác phẩm nghệ thuật thật sự chứ không còn dừng lại ở những chi tiết trang trí món ăn trong ngành ẩm thực. Danh tiếng của Hoàng Phạm không còn dừng lại ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) - nơi anh đang sinh sống mà người trong nghề khắp Bắc - Trung - Nam đều biết. Còn có người từ Ấn Độ, Hàn Quốc sang tìm Phạm Hoàng để học nghề, hoặc mời về nước họ để dạy.

“Đôi bàn tay vàng” tạo nên những chú chuột vàng - Ảnh 1.

Với cách nói chuyện toát lên cá tính khiêm tốn, hiền lành và chân chất, Phạm Hoàng cho biết cái duyên với nghệ thuật tỉa rau củ quả là từ nghề đầu bếp mà anh theo trước đây. Từ nhu cầu muốn làm cho món ăn của mình bắt mắt hơn, Hoàng tìm học thêm nghề tỉa rau củ quả rồi bén duyên, say mê không dứt ra được. Suy nghĩ rằng nếu đã đứng bếp mà tập trung vào cắt tỉa trang trí quá nhiều thì không ổn nên Hoàng quyết định ngưng công việc đầu bếp tại nhà hàng, nghỉ hẳn ở nhà để tìm hiểu, rèn luyện chuyên sâu vào nghệ thuật cắt tỉa rau củ quả.

2. Tháng ngày cần mẫn đã mang lại những thành quả: Năm 2015, Phạm Hoàng đoạt Huy chương vàng đồng đội và Huy chương đồng cá nhân tại cuộc thi Cắt tỉa rau củ quả quốc tế ở Thái Lan với sự tham gia của nhiều nghệ nhân các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cũng năm này, Hoàng đoạt giải Nhất về cắt tỉa rau củ quả tại Liên hoan ẩm thực Đồng Nai. Suốt 4 năm mày mò học hỏi, Hoàng cũng bán được những tác phẩm của mình cho các nhà hàng, chủ tiệc, đủ sống cho đam mê. Những trung tâm hội nghị, tiệc cưới lớn ở TP Biên Hòa đều là "mối ruột" của Hoàng.

“Đôi bàn tay vàng” tạo nên những chú chuột vàng - Ảnh 2.

Hiện nay những tác phẩm điêu khắc từ rau củ quả của Hoàng được những buổi tiệc lớn đặt hàng rất nhiều, chủ tiệc sẵn sàng bỏ ra 15-20 triệu, thậm chí là 40 triệu đồng cho những tác phẩm lớn như Long - Lân - Quy - Phụng. Đó là nguồn thu nhập chính của Hoàng cùng với đào tạo những bạn trẻ yêu thích công việc này ở trường dạy nghề và tư gia.

Nói về nghề đặc biệt này, Hoàng bộc bạch đây là một nghề có thu nhập khá ổn cho các bạn trẻ. Với nhu cầu đang cao ở lĩnh vực ẩm thực, người thợ có mức lương từ 10 triệu đồng/tháng trở lên. Học phí cũng không cao, mỗi khóa khoảng 5-7 triệu đồng.

3. Tết Nguyên đán là dịp Hoàng được đặt hàng nhiều nhất, chủ yếu là linh vật của năm, năm con gì làm con nấy. Do đó, sở trường của Hoàng cũng là kỹ thuật làm 12 con giáp. Với tình yêu nghề cũng như cảm tình với Báo PNVN-TGPN, Phạm Hoàng đã dành một buổi sáng tạo tiểu cảnh "Mừng xuân Canh Tý 2020" với những chú chuột vàng lém lỉnh và sinh động để gửi lời chúc an khang thịnh vượng đến báo và các độc giả trong năm mới. Hoàng chia sẻ, để tạo những tác phẩm khiến người xem thích thú thì mình phải nghĩ ra những cái tứ phù hợp cho từng con giáp. Sao cho nó khắc họa cái chất, đặc tính của con vật ấy kết hợp với ý nghĩa mong cầu những điều tốt đẹp, sự sung túc, may mắn cho năm mới. Hoàng minh họa ngay trên những chú chuột mình vừa tạo ra: "Ví như những chú chuột này, chuột có mặt tích cực là khôn ngoan, láu lỉnh, nhanh nhẹn và thông minh thì mình phải cố gắng khắc họa sao cho nổi bật, rồi đưa vào những bố cục như chú chuột kéo túi tiền vàng hoặc chuột ngồi trên đống vàng thể hiện mong ước giàu sang, thịnh vượng. Hay bố cục "Chuột sa hũ nếp" thể hiện mong cầu may mắn, no đầy, an nhàn; rồi đám cưới chuột, gia đình chuột thể hiện mong cầu hạnh phúc lứa đôi, gia đình sum vầy…".

“Đôi bàn tay vàng” tạo nên những chú chuột vàng - Ảnh 3.

“Đôi bàn tay vàng” tạo nên những chú chuột vàng - Ảnh 4.

Hoàng tiết lộ, muốn cho những con chuột sống động, có hồn thì nghệ nhân phải có sự quan sát rồi tưởng tượng trong lúc thực hiện. Phải làm sao không để người xem liên tưởng đến những mặt xấu của con chuột như xù xì, kém vệ sinh hay gian xảo… Vì thế, bề mặt trên thân chuột phải trơn bóng, tránh những tì vết gợi lên cảm giác xù xì, không tạo hình con chuột quá gầy mà phải mũm mĩm, không tạo hình răng vì trông sẽ dữ dằn, gớm ghiếc… Để cho những chú chuột có hồn thì phải lưu ý đến những chi tiết trong hành động của nó, ví dụ phải thể hiện được động tác nặng nề khi kéo, lưng gù một chút, chân quặp như đang bám chặt nền…

Trong năm mới, Phạm Hoàng cho biết sẽ tập trung làm nhiều tác phẩm độc đáo để in sách về điêu khắc rau củ quả. Nếu thu xếp được thời gian, Hoàng cũng sẽ tham gia giảng dạy nghề này ở nước ngoài cũng như học hỏi nâng tầm cho bản thân ở môn nghệ thuật độc đáo này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn