Đôi mắt tình yêu

07:23 | 13/09/2015;
Đám cưới của chàng kỹ thuật viên bưu điện Đỗ Ngọc Anh với cô gái khiếm thị Đỗ Thúy Hà ngập tràn sắc hồng của hoa và ánh đèn lung linh.
1. Trước đám cưới, Hà vừa mừng vừa lo. Cô nói với người yêu: “Không biết cha mẹ anh có thuận lòng để anh gắn bó cả đời với một cô gái như em?”. Ngọc Anh trìu mến vuốt tóc người yêu, quả quyết: “Chúng mình sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn”. Minh chứng cho lòng quyết tâm và tình yêu chân thành của mình, Ngọc Anh đã thuyết phục cha mẹ anh vui vẻ đón nhận cô con dâu đẹp nết, dẫu trước đó ông bà tỏ ý lo lắng khi biết Hà bị khiếm thị.

Chuẩn bị cho đám cưới, Ngọc Anh đưa Hà đến những địa điểm đẹp ở Hà Nội để chụp ảnh kỷ niệm. Ngắm nhìn những bức ảnh cưới của họ sẽ thấy, đôi mắt dù không nhìn được nhưng niềm hạnh phúc vẫn ánh lên trên khuôn mặt, nụ cười của cô dâu.

2. Năm lên 6 tuổi, Hà vẫn đi học bình thường như các bạn cùng trang lứa nhưng em đột nhiên bị thoái hóa võng mạc - một dạng bệnh lý về mắt rất khó chữa trị. Vậy là Hà phải tạm nghỉ học ở trường nhưng em vẫn tự mày mò học chữ. Năm 9 tuổi, bố mẹ đưa Hà vào học lớp chữ nổi dành cho người khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Học hòa nhập với các bạn khiến Hà vơi bớt buồn tủi. Nhờ tố chất thông minh, em luôn đứng đầu lớp. Hà rất có năng khiếu học tiếng Anh, nếu như điểm tổng kết các môn học của Hà thường đạt 9,0 thì riêng tiếng Anh là “điểm 10 cho chất lượng”.

Năm 2000, tại cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc do UNESCO tổ chức, trong số 500 thí sinh dự thi, chỉ mình Hà là người khiếm thị. Kết quả, Hà đoạt giải 3 và trở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam”, là sinh viên khiếm thị đầu tiên của Hà Nội bước chân vào giảng đường đại học. 1 năm sau, cô sinh viên Đỗ Thúy Hà đã xuất sắc vượt qua hơn 400 ứng viên khuyết tật quốc tế, là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia khóa học “Kỹ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương” tại Nhật Bản.

2 năm du học Nhật Bản với Hà là sự trải nghiệm đầy ý nghĩa về nghị lực và khát vọng vươn lên. Cô tự mình làm mọi việc, từ chăm sóc bản thân đến nội trợ. Mỗi ngày, Hà đi 2 chặng tàu điện ngầm để đến trường, cũng có mấy lần bị lạc, cô dùng vốn tiếng Nhật ít ỏi để hỏi thăm đường. Từ kiến thức được học, kỹ năng tự rèn luyện và thực tiễn cuộc sống tại Nhật Bản đã giúp Hà bảo vệ xuất sắc đề án “Kỹ năng lãnh đạo”, tạo đà cho sự phát triển nghề nghiệp cũng như cuộc sống gia đình riêng sau này.

 Đám cưới hạnh phúc của Ngọc Anh - Thúy Hà 

3. Về nước, Hà công tác tại Hội Người mù quận Đống Đa. Gần 1 năm sau đám cưới, vợ chồng Thúy Hà - Ngọc Anh hạnh phúc đón con trai bé bỏng chào đời. Hà chia sẻ: “Việc mang bầu, chăm con với người phụ nữ bình thường đã là một thử thách thì với một người khiếm thị như tôi, điều đó còn tăng lên gấp nhiều lần. Song, tình mẫu tử là động lực để tôi cố gắng từng ngày”.

Như một sự bù đắp, bé con rất kháu khỉnh, xinh trai và có đôi mắt sáng to tròn giống hệt bố Ngọc Anh. Hiện tại, gia đình Hà đang ở nhà thuê, cộng cả “2 lương” vào cũng chỉ đủ trang trải các sinh hoạt thường ngày với điều kiện phải chi tiêu tiết kiệm. Họ tự tay nuôi nấng, chăm sóc con mà không thuê người giúp việc. Hà bảo, lo nhất là những khi cu Tí bị ốm sốt đưa vào viện khám, tiền viện phí, thuốc men là một khoản chi đáng kể.

Hà dù bận công việc nhưng chưa bao giờ quên dành thời gian cho con. Cô có “năng khiếu” sư phạm, biết nắm bắt tâm lý: “Khi chơi và dạy con, tôi không nghĩ mình là một người khiếm thị để cùng bắt nhịp vào các trò chơi mang tính nhận thức thế giới xung quanh, nhằm tạo cảm giác thoái, thích thú cho cả 2 mẹ con”.

Là một phụ nữ hiện đại, năng động nên dù bận gia đình riêng nhưng Hà vẫn luôn ý thức phấn đấu cho công việc. Mỗi ngày ở cơ quan, sau khi đã sắp xếp gọn các đầu việc, Hà lại cùng những người bạn Nhật Bản (trao đổi qua email) dịch, biên soạn những cuốn sách, truyện bằng chữ nổi để tặng cho người khiếm thị Việt Nam. Một vài tổ chức tình nguyện nước ngoài (trong đó Hà cũng là 1 thành viên) nhiều năm qua đã nhận bảo trợ tiền ăn, dạy ngoại ngữ, chữ nổi cho học sinh khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn của trường Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 2012, Hà được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Ở vai trò này, Hà luôn nỗ lực để duy trì các hoạt động dạy chữ, dạy nghề, vi tính, phục hồi chức năng, tổ chức giao lưu văn nghệ…, giúp cho gần 200 thành viên của Hội hòa nhập cộng đồng.

Cùng vun đắp hạnh phúc

- Kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng Hà là phụ nữ giỏi quán xuyến nên “co kéo” cũng tạm đủ. Vợ chồng chỉ mua sắm những món đồ hữu dụng, cần thiết.

- Để tiết kiệm, Ngọc Anh thường tự tay sửa chữa các đồ dùng cũ hỏng trong nhà như quạt điện, đường nước rò rỉ, đóng bàn ghế ăn cho con trai.

- Những khi rảnh việc, Ngọc Anh luôn ở bên đỡ đần vợ chăm con ăn uống, tắm giặt, cùng vào bếp nấu cơm.

- Ngoài giờ làm việc, đều đặn mỗi sáng và chiều anh “làm xe ôm” cho vợ con. Trong cuộc sống gia đình họ, vượt lên sự cảm thông là tình yêu thương, chia sẻ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn