Đổi mới giáo dục phổ thông: Còn xa mới tới đích

10:15 | 12/09/2023;
10 năm đổi mới giáo dục phổ thông nhưng khó khăn vẫn ngổn ngang. Nhiều nội dung đang phải “xem xét lại”, rất có thể sẽ phải căn chỉnh giữa chừng.

Chương trình chậm ban hành, môn tích hợp nhiều khả năng phải sửa

Đây là một trong những nội dung được đề cập đến trong kết luận của đoàn giám sát của Quốc hội về đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới đây. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học ban hành chậm so với yêu cầu (30 tháng) nhưng vẫn chưa đầy đủ chương trình các môn học. Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung mới của chương trình được thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới có những bất cập xảy ra ngay khi mới thực hiện.

Việc thay đổi giữa chừng chuyển môn Lịch sử từ môn học lựa chọn ở cấp THPT thành môn học bắt buộc do sức ép của một bộ phận các chuyên gia, nhà khoa học. Việc này cũng gây nên sự bị động trong việc điều chỉnh chương trình, biên soạn SGK môn học này.

Song, bất cập nhiều nhất rơi vào chương trình các môn học mới ở cấp THCS. Hai môn học mới được thiết kế theo hướng tích hợp: Môn Khoa học tự nhiên (tích hợp từ Vật lý, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lý (trước đây có tên là Khoa học xã hội, gồm phân môn Lịch sử, Địa lý). Tuy nhiên, so với cách tiếp cận ở các môn học có định hướng tích hợp như thế giới đã làm thì cách tiếp cận của Việt Nam lại không phải là tích hợp mà chỉ là tập hợp, tổ hợp kiến thức các môn học vào thành một môn. Các chủ đề được xây dựng vẫn tách bạch từng phân môn, những phần giao thoa, thực sự tích hợp rất ít.

Từ khâu biên soạn chương trình, viết SGK, đều tách biệt các nhóm thực hiện theo phân môn, đến khi dạy học, kiểm tra đánh giá - các môn học này cũng chia cho giáo viên phụ trách theo phân môn vì không có giáo viên được đào tạo để dạy môn tích hợp. Điều này dẫn tới những bất hợp lý trong bố trí giáo viên, không đảm bảo chất lượng.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đang tham vấn ý kiến chuyên gia và khả năng cao sẽ phải điều chỉnh chương trình. Theo nguồn tin của PV Báo PNVN, một trong những hướng giải quyết được đặt ra cho tình huống này là quay về đơn môn, chỉ giữ lại một số chủ đề tích hợp (giống hình thức tổ chức chủ đề tích hợp liên môn đã được đưa vào nhà trường trước đây), khuyến khích các nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn triển khai thực hiện

Thiếu "đủ thứ" khi thực hiện chương trình mới

Khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được xây dựng vào năm 2015-2016, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ khởi động các đề án song song nhằm chuẩn bị đội ngũ giáo viên và trang thiết bị, trường lớp đủ cho việc triển khai chương trình.

Nhưng tới nay, khi chương trình mới đã bước sang năm học thứ tư, tình trạng thiếu giáo viên vẫn trầm trọng. Cả nước hiện còn thiếu hơn 118.000 giáo viên các cấp học. Tại các địa phương tình trạng thừa, thiếu giáo viên xảy ra cục bộ ở các cấp, các môn học khác nhau. Bất ổn nhất là ở các môn học mới. Cụ thể, môn tiếng Anh sau khi đưa vào dạy học bắt buộc từ lớp 3, nhiều địa phương thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh. Có nơi như Mèo Vạc, cả huyện chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh tiểu học.

Đổi mới giáo dục phổ thông: Còn xa mới tới đích - Ảnh 2.

Học sinh THCS với tiết học trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh minh họa: T.M

Tương tự, giáo viên tin học cũng thiếu nặng. Ở cấp THPT nhiều địa phương không triển khai được môn Nghệ thuật (gồm phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật) do không có giáo viên. Đặc biệt là hiện chưa có giáo viên được đào tạo chính quy dạy các môn tích hợp ở cấp THCS. Vào năm 2021, có trên 16.000 giáo viên các cấp bỏ việc. Tới thời năm học vừa qua, thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết tiếp tục có trên 9.200 giáo viên bỏ việc.

Đã có nhiều giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên trong các năm qua nhưng chưa khắc phục được. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2021-2026. Riêng năm học 2022-2023, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển bổ sung trên 27.000 giáo viên. Nhưng vướng mắc do không có nguồn tuyển, do các thủ tục tuyển dụng không linh hoạt dẫn tới việc nhiều địa phương có chỉ tiêu mà không tuyển được.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có gần 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập. Trong đó 85% phòng học kiên cố. Tuy nhiên, phòng học bộ môn còn thiếu, thiếu nhiều nhất ở bậc tiểu học. Các trường đều có thư viện nhưng chất lượng không đồng đều, nhiều thư viện chỉ là nơi lưu trữ học liệu chưa có phòng đọc cho học sinh.

Thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng 54,3%.Cụ thể cấp Mầm non đáp ứng 47,9%, Tiểu học 56,1%, THCS 54,3%, THPT 58,9%.

Từ năm học 2022-2023, môn Tin học, Ngoại ngữ là hai môn bắt buộc từ lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhưng số lượng máy tính trong các phòng học Tin học chỉ ở mức cơ bản, cấu hình thấp, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới đáp ứng yêu cầu dạy học. Số lượng thiết bị chuyên dùng cho phòng học Ngoại ngữ hạn chế, chủ yếu chỉ có thiết bị cầm tay, đơn chiếc.

Tình trạng "học chay" xảy ra ở nhiều nơi do những vướng mắc trong thủ tục đấu thấu, triển khai mua sắm thiết bị nên nhiều địa phương không thực hiện được.

Chậm thay đổi phương pháp dạy học đánh giá và quản trị nhà trường

Trong các khó khăn thì đây có lẽ là khó khăn đáng lo ngại nhất. Vì không hiểu và triển khai đúng tinh thần đổi mới thì sẽ gãy từ bên trong. Mặc dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, cho phép các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, chủ động sáng tạo trong việc tổ chức các hình thức, phương pháp dạy học, đánh giá, đa dạng hóa tài liệu dạy học, không lệ thuộc vào SGK như trước. Nhưng việc này chậm và có những nơi trì trệ không thay đổi được.

Nhiều nhà trường không hiểu và thực hiện đúng việc xây dựng kế hoạch giáo dục, cách quản trị nhà trường lạc hậu. Giáo viên vẫn chủ yếu dạy học theo cách truyền thống: Bám vào SGK nên không có sự sáng tạo. Vì lệ thuộc vào SGK nên những bất cập từ SGK đã bị mang nguyên si vào nhà trường gây quá tải, không hiệu quả trong dạy học, đánh giá.

Tình thần của nhiều giáo viên, cán bộ quản lý hoang mang. Trong khi ở bên ngoài, nhiều ý kiến chuyên gia, các đại biểu Quốc hội cũng đang đề nghị xem xét lại việc triển khai một chương trình, nhiều SGK và những nội dung đổi mới khác.

Trong bối cảnh khó đủ thứ, thiếu đủ thứ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Lúc này rất cần sự kiên định, quyết tâm trong nội bộ ngành. Ngành Giáo dục phải hiểu tinh thần đổi mới và quyết tâm, khó đến đâu gỡ đến đó. Trong ngành có thông thì mới mong chờ sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ ngành khác, địa phương và xã hội.

Chỉ còn 1 năm nữa là cuộc đổi mới này đi hết một vòng từ lớp 1-12. Tuy nhiên, để đến được mục tiêu đặt ra thì còn xa vời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn