Đổi mới thi THPT Quốc gia: Cần tập trung cải tiến khâu chấm thi

14:19 | 27/09/2018;
Nhiều chuyên gia giáo dục và nhà quản lý giáo dục khi được hỏi về những nội dung cần thay đổi cho kỳ thi THPT Quốc gia vào năm tới, tránh lặp lại tiêu cực gian lận điểm thi vừa qua, đều băn khoăn về quy trình chấm thi và cách ra đề thi.

Bài trắc nghiệm chấm tập trung theo cụm

Vụ gian lận điểm thi rúng động ở nhiều tỉnh phía Bắc vừa qua khiến dư luận, đặc biệt là phụ huynh có con thi THPT Quốc gia vào năm tới đang vô cùng lo lắng. Dù khẳng định đảm bảo kỳ thi minh bạch, nghiêm túc, nhưng công tác tổ chức kỳ thi rõ ràng vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Và quan trọng là kỳ thi dùng để xét tuyển ĐH, CĐ nên việc gian lận ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả tuyển sinh của sĩ tử cả nước.

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi và quá trình xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến, trong đó có sự có mặt của nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh. Ghi nhận cho thấy, phần lớn các Sở GD&ĐT đều quan tâm đến vấn đề chấm thi và ra đề thi.

thi-thpt-quoc-gia-2016-080.JPG
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia. Ảnh minh họa
 

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho rằng, giám sát chặt chẽ khâu chấm thi là điều mà Bộ GD&ĐT cần tập trung cho kỳ thi vào năm tới. Trước khi chấm thi, cần có sự chặt chẽ trong khâu làm phách mà theo bà Hằng thì việc mã hóa về phách là điều cần nghĩ đến.

“Mã hóa phách sẽ giúp cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong” - bà Hằng cho hay.

Về quy trình chấm thi, bà Hằng cho rằng không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương. Vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế, có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực.

Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ, thanh tra Sở và PA83, đặc biệt là lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được các hành vi gian dối của cán bộ chấm thi.

Đồng tình về điều này, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng thay vì chấm chéo, việc chấm thi trắc nghiệm nên đưa về các cụm tập trung.

chm-bi.jpg
Giáo viên chấm thi. Ảnh minh họa

“Chấm thi trắc nghiệm đưa về các cụm tập trung rất thuận lợi khi chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất, chỉ hoán đổi các thành viên về mặt kĩ thuật xử lý bài thi chéo nhau và chúng ta yên tâm là kết quả chính xác” - ông Vĩnh nhấn mạnh.

Ông Vĩnh còn cho rằng, các phiếu trả lời trắc nghiệm thuộc môn tổ hợp không nhất thiết phải là phiếu gộp chung. Điều này gây phiền toái ít nhiều cho giám thị giám sát, đồng thời là kẽ hở cho thí sinh có thể sau thời gian thi hết môn các em lại hỏi các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ 2 các em lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa và không giám sát được.

Như vậy, với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác. Làm như vậy sẽ tạo thoải mái hơn cho giám thị và tạo nên tính nghiêm túc cho kì thi.

Giảm tổ hợp xét tuyển

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT - cho biết, công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực cho các kỳ thi. Chính nhờ phần mềm quản lý điểm thi mới phát hiện ra những trường hợp gian lận thi cử, một điểm khác biệt so với thời thi "3 chung" trước đây.

Ông đề xuất sau khi chấm điểm, Bộ nên chính thức công bố toàn bộ số liệu thống kê kết quả, dựa vào đó để biết mức độ phân hóa đề thi và điều chỉnh.

Bàn về công tác tuyển sinh, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng kỳ thi ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Ông đánh giá cao kỳ thi bởi các khâu lọc điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm hết, trường chỉ xét từ trên xuống dưới nên rất nhanh gọn. Năm nay, với 8.500 chỉ tiêu, trường tuyển được 8.700, đảm bảo đủ số lượng và năng lực thí sinh tương đối tốt. Tuy nhiên, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất khá cao.

“Năm vừa rồi, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất khoảng 700 em, chiếm 10%. Bên cạnh đó, số lượng ảo rất nhiều. Trước đây, thí sinh đỗ trường nào thì sẽ học luôn trường đó nhưng bây giờ các em có nhiều lựa chọn và còn phụ thuộc vào năng lực học tập nữa. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội, năm đầu các em phải học các môn cơ bản rất nặng, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến số sinh viên bỏ học sau năm đầu tiên cao”, ông nói.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, 156 tổ hợp xét tuyển như hiện nay là quá nhiều, dẫn đến tuy đủ chỉ tiêu nhưng giảm chất lượng đầu vào. 26 điểm tổ hợp Toán - Lý - Hóa rõ ràng khác với 26 điểm tổ hợp Địa - Giáo dục công dân hay môn nào đó về chất lượng học tập. Theo đó, cần nghiên cứu giảm tổ hợp, lược bớt những tổ hợp không cần thiết, tập trung cho chất lượng thí sinh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn