Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có ý kiến giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và UBND các huyện thị chủ động trong công tác tổ chức lễ khai giảng. Trong đó, nhấn mạnh việc lãnh đạo tỉnh đến tham dự lễ khai giảng, không phát biểu và không đánh trống khai giảng. Sở GD-ĐT các tỉnh thành khác là Quảng Nam, Đà Nẵng cũng có văn bản hướng dẫn tổ chức khai giảng ở các trường với tin thần ngắn gọn, ý nghĩa và không mời các lãnh đạo dự khai giảng phát biểu.
Trước mỗi buổi "lễ xuất quân" của một đoàn thể thao, một đoàn thí sinh tham dự cuộc thi hay bất cứ một chiến dịch nào, việc những người có trách nhiệm gặp gỡ, động viên là cần thiết. Tuy nhiên ở mức độ nào đó những lãnh đạo địa phương dự khai giảng, đánh trống, đọc diễn văn, phát biểu đã không còn mang ý nghĩa khích lệ ban đầu.
Trong nhiều năm, ở nhiều ngôi trường trên khắp cả nước, lễ khai giảng thường được tổ chức rất trọng thể. Trong lễ khai giảng thường có các lãnh đạo địa phương đọc diễn văn, phát biểu rất dài và mang nặng tính hành chính. Trường điểm thì đó là lãnh đạo tỉnh, thành phố, trường cấp huyện, cấp xã thì lãnh đạo của huyện, xã sẽ có mặt.
Chính vì sự có mặt của lãnh đạo địa phương mà trước đó cả tuần thậm chí cả tháng, nhà trường phải lên kế hoạch, tập dượt, tổng duyệt cố gắng cho lễ khai giảng hoành tráng, ấn tượng không có sơ suất. Chưa hết, nhà trường cũng phải lo lắng việc bố trí đón tiếp, cảm ơn lãnh đạo đại phương đã dành thời gian đến dự.
Các cháu học sinh đương nhiên cũng vất vả theo. Ngoài việc tập dượt đội hình, đội ngũ, ngày chính thức khai giảng các em lại phải ngồi dự buổi lễ kéo dài nhiều giờ đồng hồ trong thời tiết đầu tháng 9 đa số các năm vẫn còn oi, nắng.
Những bài diễn văn của cả lãnh đạo nhà trường lẫn lãnh đạo địa phương hầu hết nằm ngoài khả năng nhận thức và cả sự quan tâm của chính những em học sinh - chủ nhân thực sự của lễ khai giảng.
Từ lâu trong giáo dục chúng ta đã đề ra khẩu hiệu: Lấy người học làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Xét ở mức độ nào đó lễ khai giảng được xem là "buổi ra mắt" quan trọng nhất với học sinh đầu cấp lần đầu tiên có mặt và dự lễ trong ngôi trường mới của mình. Ở đó các em cần được hiểu thêm về ngôi trường là nơi mình sẽ học tập gắn bó trong những năm sắp tới. Lễ khai giảng cũng có thể sẽ là một kỷ niệm đẹp cho mỗi học sinh trong suốt quãng đời học sinh và là hành trang cho cuộc sống sau này.
Thực tế, không phải lãnh tất cả các vị lãnh đạo địa phương đều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đến mức nhất thiết phải có mặt trong lễ khai giảng để đọc diễn văn "truyền cảm hứng" cho học sinh. Đôi khi, sự hiện diện của các lãnh đạo ban ngành, trong một số trường hợp cũng là để thể hiện sự ảnh hưởng của cá nhân. Chính vì thế đa số các trường được vinh dự đón lãnh đạo địa phương đều ở đô thị, khu trung tâm, trường điểm, trường chọn. Với những trường mà thầy cô "khai giảng bên bờ suối", những điểm trường nhỏ nhoi hẻo lánh, đi lại khó khăn rất ít khi được đón lãnh đạo cấp tỉnh đến dự.
Lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội quan tâm đến giáo dục là điều đáng mừng. Tuy nhiên, giữa quan tâm tới dự khai giảng khi thầy trò bước vào năm học mới với việc biến lễ khai giảng thành "sân khấu" để lãnh đạo địa phương trình diễn là điều rất không nên. Giáo dục, muốn để phát triển hiệu quả, rất cần sự đổi mới, đột phá trong tư duy, cách làm.
Những quyết định dũng cảm của ngành giáo dục các tỉnh miền Trung cũng chính là hồi trống cổ vũ cho một tinh thần đổi mới, hướng đến trung tâm giáo dục là các em học sinh. Mong rằng sau hồi trống ấy, tinh thần đổi mới này sẽ tiếp tục lan tỏa đến các địa phương khác và việc đổi mới trong lễ khai giảng chỉ là sự bắt đầu trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn