Đội nữ lính cứu hỏa ở Indonesia: Từ bị chế nhạo đến "anh hùng địa phương"

07:49 | 01/03/2024;
Hỏa hoạn là mối đe dọa lớn đối với người dân, rừng và động vật hoang dã ở Borneo (Indonesia). Đội nữ cứu hỏa ở đây đang góp sức bảo vệ thiên nhiên, đồng thời thay đổi định kiến đối với phụ nữ.
Bảo vệ môi trường và cộng đồng

Trong ngôi nhà gỗ nhỏ cạnh rừng nhiệt đới, cô Siti Nuraini bôi kem chống nắng tự chế làm từ gạo và lá dứa nghiền mịn lên mặt. Nuraini đang chuẩn bị nhiệm vụ tuần tra với tư cách là lính cứu hỏa tình nguyện ở Ketapang, Tây Kalimantan, Borneo. Nuraini là điều phối viên của đơn vị nữ cứu hỏa "Power of Mama". 

Nuraini nói: "Năm nào chúng tôi cũng gặp hỏa hoạn. Khói sẽ trở nên tồi tệ đến mức người dân buộc phải sơ tán và trường học phải đóng cửa. Rất nhiều trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp".

Pematang Gadung - khu rừng nhiệt đới giáp làng của Nuraini - là nơi sinh sống của một trong những quần thể đười ươi lớn nhất Indonesia. Đây cũng là vùng đất than bùn khiến nơi đây trở thành một bể chứa carbon. Mặc dù chỉ chiếm 3% bề mặt đất nhưng vùng đất than bùn ở Indonesia lưu trữ lượng carbon gấp đôi so với các khu rừng trên thế giới. 

Pematang Gadung nằm giữa hai khu vực than bùn, trải rộng 70km2. Hàng năm vào mùa khô, người dân trong làng phải đối mặt với mối đe dọa cháy rừng. Nuraini cho biết: "Các đám cháy ở đây thường bắt nguồn từ những khu vực than bùn bị thoái hóa, không thể giữ nước được nữa".

Đội nữ lính cứu hỏa ở Indonesia- Ảnh 1.

Phun nước chữa cháy

Khi nhóm cứu hỏa "Power of Mama" được thành lập năm 2022, đã có 44 phụ nữ tình nguyện tham gia. Nhóm hiện có 92 thành viên đến từ 6 làng địa phương, với độ tuổi từ 19 đến 60. 9h30, cô Nuraini đi xe máy vào rừng tuần tra cùng với 6 người phụ nữ khác đến 15h30. Vừa tuần tra, họ ghé thăm những người nông dân trồng đậu, chuối, ớt, bắp cải và bí ngô. 

Những người nông dân này thực hành nông nghiệp đốt nương làm rẫy, nơi độ che phủ rừng và các thảm thực vật khác bị chặt hạ và đốt để lấy đất canh tác. Phương pháp canh tác này được chính quyền địa phương cho phép, miễn là nó diễn ra trên diện tích dưới 20.000m2.

"Power of Mama" hợp tác chặt chẽ với làng để xác định những nông dân nào đang đốt nương rẫy, khuyến khích họ kiểm soát việc đốt nương an toàn, gắn liền với việc thúc đẩy đa dạng sinh thái và bảo vệ cộng đồng khỏi những đám cháy. 

"Power of Mama" cũng đang giúp nông dân tăng năng suất cây trồng bằng cách khuyến khích họ sử dụng phân bón hữu cơ để đưa nitơ trở lại đất và thúc đẩy tăng trưởng cây trồng, thay vì dựa vào nền nông nghiệp đốt nương làm rẫy. 

Đội nữ lính cứu hỏa ở Indonesia- Ảnh 2.

Thảm họa cháy rừng ở Ketapang

Cô Nuraini cho biết: "Những hoạt động này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sự bền vững của nghề nông, đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu".

Trong mùa khô, nguy cơ hỏa hoạn cao hơn nên họ tuần tra hàng ngày để đảm bảo phát hiện các đám cháy tiềm ẩn càng sớm càng tốt. Họ thường nhận được báo cáo từ người dân. Đôi khi những báo cáo này dẫn họ đến khu vực khó tiếp cận và họ phải sử dụng ca-nô gỗ để tiếp cận đám cháy hoặc máy bay không người lái để có tầm nhìn rõ hơn. 

Khi gặp hỏa hoạn, Nuraini hướng dẫn các thành viên khác cách cầm vòi rồng và bắt đầu phun nước dập lửa.

Làm lính cứu hỏa tình nguyện ở vùng đất than bùn không phải là điều dễ dàng. Các đám cháy than bùn có thể khó phát hiện vì chúng xảy ra dưới lòng đất và do đó không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được ngay lập tức. 

Có những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe khi lính cứu hỏa phải tiếp xúc với nhiều khói và có thể bị mắc kẹt trong khu vực đang cháy. Để tránh những nguy hiểm này, các thành viên của đội phải đeo khẩu trang bảo vệ và được dạy cách phun vòi nước từ một khoảng cách an toàn.

Từ những người bị chế nhạo đến "anh hùng địa phương"

Leli Khairnur, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và môi trường đến từ Tây Kalimantan, cho biết, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về môi trường trong cộng đồng của họ. Ban đầu, những người phụ nữ như Nuraini bị chế giễu khi họ gia nhập "Power of Mama". 

Đội nữ lính cứu hỏa ở Indonesia- Ảnh 3.

Tuần tra xuyên rừng bằng xe máy, tìm kiếm những đám cháy chưa được phát hiện

Cô kể: "Chúng tôi bị đàn ông trong làng cười nhạo vì mặc đồng phục và tham gia tuần tra". Còn bà Juriah (60 tuổi), thành viên lớn tuổi nhất của "Power of Mama", có một trải nghiệm khó chịu. Trong khi chữa cháy năm ngoái, một người nông dân đã vu cáo bà ăn trộm dứa.

Tuy nhiên, những cư dân từng chế nhạo nhóm nữ cứu hỏa "Power of Mama" giờ đây mời họ đến dự các cuộc họp trong làng. Ông Zakaria, người quản lý tài chính của ngôi làng Sungai Besar gần đó, mô tả các thành viên của đội nữ cứu hỏa là "những anh hùng địa phương". Ông cho biết, nhờ sự hợp tác chặt chẽ của "Power of Mama" nên năm ngoái ngôi làng không xảy ra vụ cháy nào.

Tháng 11/2023, nhóm "Power of Mama" đã nhận được Giải thưởng Vô địch Không khí sạch của Indonesia năm 2023 vì nỗ lực đảm bảo không khí trong lành cho cộng đồng địa phương.

Cô Nuraini cho biết, việc tham gia "Power of Mama" đã dạy cô nhiều điều hơn là chỉ chữa cháy. Cô nói: "Tôi đã học được nhiều về môi trường, về việc bảo vệ động vật và chống lại những thứ có thể phá vỡ hệ sinh thái rừng hoặc sông. Tôi có một cô con gái 5 tuổi và tôi đang dạy con về động vật cũng như cách bảo vệ thiên nhiên".

Indonesia là nơi có vùng đất than bùn có mật độ carbon cao nhất thế giới. Một khi chúng bị cạn nước và khô, vùng đất than bùn dễ bị cháy rừng nghiêm trọng hơn, gây rủi ro lớn cho động vật hoang dã, con người và đe dọa sự đa dạng sinh học ở khu vực xung quanh. 

Theo dữ liệu của Global Forest Watch, từ năm 2001 đến 2022, huyện Ketapang đã mất 879.000 ha diện tích cây xanh, dẫn đến 588 triệu tấn khí thải CO2. Tổng cộng 1.340 km2 (15% tổng diện tích cây che phủ) đã bị mất do cháy. Theo dữ liệu từ Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, các vụ cháy rừng từ tháng 1 đến tháng 7/2023 đã thải ra 9,6 triệu tấn CO2.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn