Nhìn ra hồ Uru Uru ở vùng cao nguyên Bolivia, thật khó có thể tưởng tượng rằng nơi đây từng nuôi sống hàng nghìn người và là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm 76 loài chim. Nước hồ đã chuyển sang màu đen và bốc mùi khó chịu.
Trong nhiều năm qua, các cộng đồng sinh sống ven hồ đã phải đối mặt với ô nhiễm từ ngành khai thác mỏ và từ chất thải của thành phố Oruro gần đó. Ô nhiễm môi trường cũng đe dọa hệ thực vật và động vật trong hồ, một vùng đất ngập nước được quốc tế công nhận theo Công ước Ramsar.
"Mùi ở đây rất nồng nặc và ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi. Khi mặt trời mọc và lặn, nước bốc mùi không thể chịu đựng được. Không ai biết chúng tôi có thể mắc bệnh gì trong tương lai? Rất khó để sống và làm việc trong những điều kiện như thế này", Dayana Blanco (25 tuổi, một phụ nữ Aymara), đồng sáng lập Đội Uru Uru và là nghiên cứu sinh Fulbright đang nghiên cứu về xây dựng hòa bình tại Đại học Massachusetts (Mỹ), cho biết.
Dayana cho biết, người dân sống quanh hồ đã sử dụng nước hồ làm nước uống, tưới tiêu mùa màng và cho gia súc uống. Điều này không còn khả thi nữa và nhiều người trong cộng đồng đã buộc phải di cư.
Nhiệt độ thay đổi và lượng mưa đã khiến hồ Uru Uru bị thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây và khi thành phố Oruro phát triển, người dân đã xây nhà ở những nơi từng là khu vực được bảo vệ.
Các hồ trên cao nguyên khác của Bolivia đều đang phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự. Hồ Titicaca, nằm giữa biên giới Peru và Bolivia, đang phải vật lộn với ô nhiễm. Trong khi đó, hồ Poopó, trước đây là hồ lớn thứ hai sau Titicaca, đã khô cạn hoàn toàn vào năm 2015.
"Người dân bản địa biết rằng nếu một hồ chết thì cũng giống như linh hồn của một dân tộc đã chết. Chính vì sự thiếu tôn trọng thiên nhiên và Mẹ Trái đất nên đã xảy ra sự mất cân bằng này", Tatiana Blanco (30 tuổi), chị gái của Dayana và là thành viên của Đội Uru Uru, cho biết.
Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng, phụ nữ bản địa đã thành lập Đội Uru Uru vào năm 2019. Việc làm đầu tiên của đội là làm sạch nước. Tổ tiên của họ đã sử dụng cây totora - một loại cây sậy có thể cao tới 6 mét. Có tên khoa học là Schoenoplectus californicus, loài thực vật thủy sinh này đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc hấp thụ kim loại nặng và chất gây ô nhiễm.
Ngoài việc dùng để xây dựng nhà nổi, cây totora còn có tác dụng xử lý nước thải vì nó giữ lại khoáng chất trong rễ, lá và thân. Đội Uru Uru đã cấy khoảng 600 cây totora, chăm chúng phát triển rồi đặt chúng lên bè làm bằng chai nhựa và lưới que.
"Chúng tôi không nghĩ rằng totora có thể phát triển vì ô nhiễm quá mạnh. Nước có nhiều khoáng chất nặng. Thế nhưng, chúng tôi đã thấy những cây này phục hồi hệ sinh thái của hồ nước từng chút một", Dayana nói.
Hồ Titicaca từng là nơi sinh sống của khoảng 120.000 con hồng hạc nhưng hiện chỉ còn lại một nửa. Nhiều năm hệ sinh thái của hồ bị tàn phá đã thu hẹp không gian sống của động vật hoang dã. Những nỗ lực làm sạch hồ của Đội Uru Uru đã giúp đưa chim hồng hạc và các loài chim khác quay trở lại.
Hồ Uru Uru đã có nhiều năm bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa nhưng giờ đây, một số chai nhựa đang được tái sử dụng để tạo ra bè totoro nhằm hấp thụ các chất ô nhiễm trong nước. Nhóm nghiên cứu đã ủy quyền cho Đại học Juan Misael Saracho ở Tarija tiến hành các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và phát hiện ra rằng các khu vực trong hồ có trồng cây totora đã giảm ô nhiễm 30%.
Đến nay, Đội Uru Uru đã trồng được khoảng 3.000 cây totora. Dayana muốn thu hút nhiều người hơn trong cộng đồng, cũng như những cá nhân có kiến thức về khoa học và phục hồi môi trường. Mục tiêu của nhóm là trồng 4.000 cây totora mỗi năm và làm sạch hồ hoàn toàn để đưa các loài chim trở lại cũng như cho phép cộng đồng trồng rau trở lại.
Đội Uru Uru liên tục tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề mà cộng đồng của họ phải đối mặt. Các thành viên làm tình nguyện tại một trường học, nơi họ lập một khu vườn và dạy học sinh cách trồng cây lương thực, làm phân trộn và tạo thu nhập bằng cách thu gom nhựa, giấy để bán tái chế.
Tatiana cho biết: "Chúng tôi thấy rằng nhiều gia đình không thể mua rau vì chúng quá đắt. Chúng tôi tìm kiếm và phát triển các sáng kiến vì chúng tôi hiểu rằng mình phải hành động. Chúng tôi phải trao quyền cho bản thân vì sẽ không có gì xảy ra nếu chúng tôi chỉ thụ động và chờ đợi giải pháp đến từ nơi khác".
Đội Uru Uru có một trang Facebook và Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Năm ngoái, Đội Uru Uru đã giành giải thưởng Xích đạo lần thứ 14 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), giải thưởng tôn vinh các sáng kiến của người dân bản địa và cộng đồng trong việc thích ứng và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn