Đời sống người dân Myanmar ra sao sau khi bà Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống bị quân đội bắt giữ?

18:11 | 01/02/2021;
Ngày 1/2, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Soe Nyunt Lwin cùng một số quan chức đã bị quân đội bắt giữ.

Bất ổn chính trị ở Myanmar

Động thái này diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội Myanmar, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau một cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận.

Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) ở Myanmar tuyên bố chiến thắng ngày 9/11 sau khi đạt được đủ số ghế để tự thành lập chính phủ riêng. Đảng NLD do bà Suu Kyi dẫn đầu, giành được 83% số ghế trong cuộc bầu cử được xem như trưng cầu ý dân đối với chính phủ dân chủ của Myanmar.

chính biến - Myanmar

Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi (trái) và Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing

Căng thẳng giữa quân đội và chính phủ do NLD lãnh đạo đã tăng cấp khi phía quân đội cáo buộc cuộc bầu cử lần này có vấn đề, là vi hiến vì tước bỏ quyền bỏ phiếu của hàng triệu người thuộc nhóm dân tộc thiểu số. 

Phía Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ cáo buộc gian lận phiếu bầu của quân đội, nói rằng không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu.

Kênh truyền hình quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nước này trong 1 năm. Quân đội Myanmar nêu rõ, trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng 11/2020 sẽ được xem xét lại. Lực lượng này cho biết thêm quyền điều hành đất nước sẽ được chuyển giao cho Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Quân đội Myanmar cũng đã kiểm soát chính quyền và cơ quan lập pháp ở nhiều khu vực.

Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.

chính biến - Myanmar

Bà Aung San Suu Kyi cùng các quan chức

Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi ra tuyên bố cho biết, bà kêu gọi người dân không chấp nhận "đảo chính" và xuống đường phản đối, đồng thời cáo buộc quân đội đưa đất nước trở về thời kỳ "cai trị quân sự".

"Các hành động của quân đội là hành động đưa đất nước trở lại dưới chế độ độc tài. Tôi kêu gọi mọi người không chấp nhận điều này. Hãy đứng lên biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội ", bà Aung San Suu Kyi nói trong một tuyên bố do NLD công bố.

chính biến - Myanmar

Xe thiết giáp được triển khai đến khu vực bên ngoài tòa nhà quốc hội Myanmar ở thủ đô Naypyitaw

Myanmar mới chỉ có lãnh đạo dân sự khoảng gần một thập kỷ nay sau gần 50 năm dưới chính quyền quân sự. Nền dân chủ non trẻ của nước này được dựa theo bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo, theo đó chia sẻ quyền lực giữa các tướng lĩnh và một chính phủ dân sự. Theo hiến pháp, 25% số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi được dành cho quân đội. 

Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người được xem là quyền lực nhất Myanmar, cảnh báo có thể "thu hồi" hiến pháp năm 2008 trong những trường hợp nhất định.

Đời sống người dân Myanmar bị đảo lộn

Sau khi quân đội được triển khai ở thủ đô Myanmar và Yangon, người dân nước này đổ xô đến cây ATM để rút tiền và cửa hàng tạp hóa mua đồ dự trữ.

chính biến - Myanmar

Cây ATM của một ngân hàng ở Yangon ngừng hoạt động sau chính biến

Tại thủ đô Naypyitaw, các ngân hàng được thông báo đóng cửa và tạm ngừng giao dịch do lỗi kỹ thuật. Các mạng viễn thông lớn tại Myanmar trong đó có Mytel, Orredoo, Telenor và MPT đều bị cắt. Ngoài ra, đa số các nhà mạng Internet lớn đều không thể truy cập được dẫn đến tình trạng người dân Myanmar liên lạc được với nhau rất khó khăn, gây đảo lộn cuộc sống sinh hoạt và hoang mang trong người dân.

Chia sẻ về những tình hình đang diễn ra, anh Ko Thien Zaw, đến từ thành phố thành phố Yangon bày tỏ quan ngại về tình hình, lo sợ bất ổn tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến "miếng cơm, manh áo" và cuộc sống bình thường của người Myanmar. 

"Tôi rất lo sợ tình trạng bất ổn kéo dài. Những sự việc như này diễn ra sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi. Tôi mong tình hình sẽ sớm chấm dứt, đất nước ổn định để cuộc sống trở lại bình thường", anh Ko Thien Zaw nói.

chính biến - Myanmar

Quán ăn ở thành phố Yangon vắng khách

Trước tình diễn biến tình hình bất ổn, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã kịp thời phát đi thông báo trấn an, khuyến cáo và hướng người Việt tại địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn