Đôi tất của cô học trò khiếm thính ngày gặp lại

08:32 | 20/11/2017;
Sau hơn 20 năm gặp lại, Trang vẫn nhận ra cô giáo của mình trong dịp kỷ niệm thành lập trường. Em tặng cô một đôi tất chân ấm áp, cùng với một cái ôm siết chặt như muốn nói rằng, chưa bao giờ em quên gương mặt và nụ cười của cô giáo.

Món quà nhỏ bất ngờ sau hơn 20 năm

Với cô giáo Hoàng Thị Thu Hà (giáo viên trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội), hơn 24 năm gắn bó với ngôi trường đặc biệt này đã giúp cô có một tài sản tinh thần quý giá. Đó là những học trò đặc biệt mà cô rất thương quý.

Cống hiến cả tuổi xuân cho ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính, đa khuyết tật giữa lòng Thủ đô, nữ giáo viên luôn mang trong mình một tình yêu nghề, yêu trò mãnh liệt. Học trò không chỉ khiếm thính, có em còn tự kỷ, em lại chậm phát triển trí tuệ,… Cô Hà cho biết, có lẽ yêu thôi không đủ. Cô còn dạy các em bằng chính tình thương rất bản năng của mình.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hà bên những học trò đặc biệt của mình. Ảnh: D.H

Với tình cảm trìu mến ấy, rất nhiều thế hệ học trò đến với cô và ra trường, đều dành nhiều cảm tình đặc biệt cho cô. Một trong những học trò ấy là em Trang, học với cô Hà từ những năm đầu cô về trường.

“Trang là một học sinh khiếm thính. Vừa rồi kỷ niệm 40 năm thành lập trường, cô bé chủ động gặp tôi vì nhận ra cô giáo của mình, còn tôi thì phải lục lại ký ức một lúc mới nhớ ra em. Em mang món quà nhỏ là đôi tất chân đến tặng tôi, thật ấm áp vô cùng vì sau chừng ấy năm, cô học trò nhỏ vẫn nhớ đến tôi và dành cho tôi một cái ôm thật chặt” - cô Thu Hà nhớ lại.

Điều mà nữ giáo viên bồi hồi nhất, chính là giờ đây Trang đã trở thành một phụ nữ trưởng thành, có công việc ổn định, có gia đình nhỏ với một cậu con trai xinh xắn. Đối với cô Hà mà nói, đó chính là món quà lớn nhất mà nghề giáo mang lại cho cô, trong nhiều năm đi dạy không ít thăng trầm này.

Những học trò đặc biệt

Cô Hoàng Thị Thu Hà hiện là Tổ trưởng chuyên môn khối Tiểu học chuyên biệt tại trường PTCS Xã Đàn. Trước đây, lúc vừa thành lập vào năm 1977, trường chỉ nhận những học trò khiếm thính, khuyết tật.

Mãi đến năm 1998, trường mở thêm khối giáo dục hòa nhập, học sinh lành lặn được học cùng với các em khiếm thính mức độ nhẹ. Khối mà cô Hà phụ trách là khối chỉ những em khiếm thính và đa khuyết tật theo học.

Chúng tôi có dịp được quan sát giờ học tại lớp 3B1.1 - lớp cô Hà chủ nhiệm vào những ngày cuối thu tháng 11. Ánh nắng vàng hắt qua khung cửa sổ, nơi đó là tiếng ê a mà cô đang tập đánh vần cho học sinh, thông qua các hình vẽ.

Không cáu gắt, không bồng bột, nữ giáo viên dạy học sinh bằng những cử chỉ dịu dàng, kiên nhẫn. Lúc các em phát âm đúng, ánh mắt cô rực sáng lên, kèm với đó là những hành động ký hiệu bằng tay, thể hiện sự cổ vũ dành cho các em. Khoảnh khắc đó, khiến tôi thấy rưng rưng…

Mỗi giờ dạy của cô Hà đều chứa đựng tình cảm thương mến dành cho học trò đặc biệt. Ảnh: D.H

Cô kể, lớp cô có 17 học sinh thì có 4 bạn rất nặng. Một bạn bị tự kỷ tăng động, từ 3 tuổi không nói được gì nhiều. Nhưng bây giờ con đã nói được nhiều từ lắm rồi!

Một bạn khác bị tự kỷ nặng, năm nay đã 15 tuổi rồi mà thân hình vẫn như trẻ con, bạn khác thì thiểu năng, có bạn lại bị tim bẩm sinh, học đến năm thứ 5 rồi mà vẫn chưa thể cầm bút tự viết được.

“Dạy những học trò như thế, hẳn có rất nhiều xúc cảm trong cô?” - tôi hỏi.

“24 năm gắn bó với trường, đủ dài và đủ đầy cảm xúc trong tôi. Với lớp hiện tại càng nhiều kỷ niệm hơn. Dạy nhiều những học trò như vậy, tôi thương lắm! Các con tuy dị tật nhưng rất tình cảm, có những hoàn cảnh rất đáng thương. Yêu học trò thôi có lẽ không đủ, phải thương nữa, mới có động lực mãnh liệt để tiếp tục với nghề!” - cô Hà chia sẻ.

“Có lúc nào cô thấy mệt mỏi và bất lực quá khi dạy mãi mà con không tiến bộ nhiều không?”

“Mệt mỏi áp lực là rất nhiều! Em có thấy dãy hoa ngoài hành lang lớp tôi không? Những lúc ức chế quá, tôi ra hành lang đứng ngắm hoa, hít một hơi thật sâu, lấy lại cân bằng rồi lại quay vào lớp tiếp tục công việc!” - cô Hà nói.

Yến Chi là một học trò khiến cô áp lực như vậy. Suốt cả năm học, Chi không sao học được phép tính trừ đơn giản, cứ học trừ thành cộng. Rất may, đến cuối năm, em tiến triển rõ rệt, thậm chí học rất nhanh. Cô Hà đã có lúc nghĩ mình bất lực với Chi, nhưng cuối cùng con đã làm được.

Hay với bạn Đức, năm đầu tiên vào lớp con không sao làm phép tính được dù cô thử bằng mọi cách. Nhưng từ lớp 2, và hiện tại bạn rất đáng yêu, học tiến bộ và rất ngoan nữa.

Hậu phương vững chắc

Dạy học vất vả từ sáng sớm, có hôm 7, 8h tối mới về đến nhà, cô Hoàng Thị Thu Hà tự nhận mình may mắn khi có sự hậu thuẫn lớn của chồng và bố mẹ chồng. Hai con được bố đưa đón hàng ngày để mẹ yên tâm dạy học, lúc cần có ông bà hỗ trợ.

“Những hôm giỗ chạp, con ốm, tôi không dám nghỉ vì sợ trống lớp, toàn chồng nghỉ để làm thay việc thôi. Nhiều khi cứ nói đùa với anh ấy rằng hễ con ốm thì chồng nghỉ!” - cô Hà bộc bạch.

Với giáo viên ở trường Xã Đàn, ngoài việc chuyên môn còn phải theo học ngôn ngữ ký hiệu. Việc học thường diễn ra ngoài giờ, tranh thủ cuối tuần và học dần dần để “ngấm” nên cũng chiếm một quỹ thời gian nhất định của các thầy cô. Cô Hà kể, mình dạy các con kiến thức, nhưng các con dạy lại mình ngôn ngữ của người khiếm thính. Rất nhiều điều, cô học từ chính các con.

Tôi hỏi, có bao giờ cô thấy thiệt thòi so với đồng nghiệp ở trường khác không, nữ giáo viên chia sẻ chân thành rằng, thiệt thòi đầu tiên chính là áp lực trong công việc. Học sinh đa phần hoàn cảnh khó khăn, không về vật chất thì về tinh thần. Nhiều em phải sống với ông bà do bị bố mẹ bỏ rơi, hoặc con dị tật thì bố mẹ đổ lỗi cho nhau, rồi đổ vỡ hạnh phúc…

“Thế đâu là động lực để cô tiếp tục và làm tốt hơn?”

“Trước hết, phải yêu thương học trò, sau nữa là phải nhiệt tình. Tình thương ấy, khi tiếp xúc với các con, trở thành một thứ tình cảm đầy bản năng, hiện hữu rất mãnh liệt trong chúng tôi!”.

Chính vì những thiệt thòi, những áp lực ấy, khi nói đến suy nghĩ của mình trong dịp tri ân nhà giáo Việt Nam, cô Hà nói rằng, cô chỉ mong mình và đồng nghiệp có đủ sức khỏe, vì có sức khỏe mới theo nghề được.

Một điều nữa là cô mong muốn gia đình của thầy cô giáo luôn hạnh phúc, bởi gia đình sẽ là hậu thuẫn chắc chắn, giúp các thầy cô tạo ra nhiệt tình trong công việc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn