Tận dụng lợi thế địa phương
Mù Cang Chải là huyện vùng cao của Yên Bái, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm gần đây, Hội LHPN huyện Mù Cang Chải đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, truyền cảm hứng cho hội viên tham gia phát triển về du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Hội cũng tổ chức tập huấn hoặc cử chị em đi học tập thực tế tại các địa phương có mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả, chuyên nghiệp để học hỏi...
Sự quan tâm, thúc đẩy của tổ chức Hội đã khơi dậy tinh thần, khát vọng vươn lên của nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn. Đến nay, đã có nhiều chị em mạnh dạn chuyển từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt sang mô hình nhà nghỉ cộng đồng. Trong đó, hội viên Giàng Thị Gừ (xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải) là một điển hình. Hiện nay, mô hình hommestay của gia đình chị Gừ duy trì 18 phòng nghỉ, phục vụ tối đa cho 60 khách nghỉ mỗi đêm. Trong đó, 99% khách đều đặt phòng trước nên gia đình luôn chủ động được số lượng khách từng ngày để chủ động chuẩn bị các dịch vụ đi kèm như ăn uống, đi tham quan trải nghiệm phục vụ được tốt hơn. Nhờ đó, dịch vụ của gia đình được du khách sau khi trải nghiệm đều hài lòng. Những tháng cao điểm, hommestay của chị Gừ lúc nào cũng kín phòng.
Ngoài chị Gừ, nhiều homestay do hội viên phụ nữ làm chủ bước đầu đã có kết quả và thu nhập tương đối ổn định như homestay của gia đình chị Lương Thị Pỏm, tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải; chị Vàng Thị Panh, chị Hà Thị Địa xã Cao Phạ...
Không chỉ phát triển du lịch cộng đồng, người dân Mù Cang Chải còn nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện gia đình, khí hậu địa phương. Vì như anh Giàng A Cheo (bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về giống lợn rừng. Anh thấy đây là loài vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp. Vì vậy, năm 2021 anh Cheo quyết định đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua giống lợn rừng về nuôi.
Để đàn vật nuôi phát triển tốt, ngoài chủ động về nguồn thức ăn, anh còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi. Tuy nhiên, do mới nuôi lần đầu nên cũng không tránh khỏi việc lợn bị dịch bệnh. Không nản chí, anh Cheo tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm để việc chăn nuôi đạt hiệu quả. Hiện nay, gia đình anh Cheo có hơn 50 con lợn rừng và lợn rừng lai. Lợn đến tuổi trưởng thành thương lái tự tìm đến mua. Ngay trong lứa đầu tiên, anh đã thu được hơn 100 triệu đồng.
Tương tự, gia đình anh Vàng A Páo (xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải), sau khi được hỗ trợ đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn. Từ nuôi lợn, trồng lúa, ngô mỗi năm gia đình anh Páo có nguồn thu ổn định 200 triệu đồng/năm. Anh Vàng A Páo phấn khởi chia sẻ: "Trong thời gian tới nếu có thêm vốn tôi sẽ mở rộng khu vực chăn nuôi của gia đình để tăng thêm thu nhập, đồng thời vận động người dân trong bản cùng làm để có cuộc sống tốt hơn".
Vươn mình ở vùng cao
Năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân, huyện vùng cao Mù Cang Chải đã giảm được 8,2% hộ nghèo. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mù Cang Chải còn 7.285 hộ nghèo chiếm trên 56% và 1.740 hộ cận nghèo chiếm trên 13%. Năm 2022, huyện vùng cao Mù Cang Chải phấn đấu giảm 7,5% hộ nghèo.
Để hoàn thành được chỉ tiêu này ngay từ những tháng đầu năm, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo tất cả các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo như: Tập trung các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, gắn sản xuất trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Xây dựng và nhân rộng các mô hình về xóa đói giảm nghèo bền vững, triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn,...
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, UBND huyện đã khảo sát, đánh giá và phân ra 5 nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo. Đó là nhóm nghèo do thiếu đất sản xuất, nhóm nghèo do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nhóm nghèo thiếu kiến thức sản xuất kinh doanh, nhóm có tư liệu sản xuất nhưng chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, nhóm các đối tượng bảo trợ.
Trên cơ sở phân tích này, UBND huyện đã giao cho từng cơ quan, ban ngành, đoàn thể phù hợp với chức năng của từng cơ quan. Ví như, như nhóm thiếu đất sản xuất thì giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường giúp các hộ đó có thêm đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề sang các nghề dịch vụ khác. Đối với nhóm thiếu vốn sản xuất kinh doanh thì giao cho phòng Tài chính - Kế hoạch và Ngân hàng Chính sách Xã hội để tham mưu thực hiện phân chia nguồn vốn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo,...
Các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống. Người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính mình trong công tác xóa đói, giảm nghèo và chủ động tiếp cận các chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương, bà Xuyến chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn