Đưa chúng tôi đi thăm thành phố, bà Trần Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 13 (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), không giấu được sự tự hào khi kể về con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường 7/5 nối Cảng hàng không Điện Biên đến trung tâm thành phố.
Qua cây cầu Thanh Bình, điểm nhấn về kiến trúc giữa thung lũng Mường Thanh, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm uy nghi, sừng sững trên đồi D1 - ngọn đồi cao nhất thành phố Điện Biên Phủ.
Cùng đi với chúng tôi lên tượng đài, ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên, cho biết, cứ bước lên một bậc, ông như thấy mỗi bước chuyển mình của thành phố trong 7 thập kỷ qua. Chỉ về phía đồi A1, ông Chính kể, sau khi giải phóng, từ đồi A1 đến gần chợ trung tâm chỉ có 3-4 mái nhà.
Lúc bấy giờ, Điện Biên vẫn chằng chịt hầm, hào và dây thép gai, bom mìn còn sót lại nhiều. Công cuộc tái thiết bắt đầu từ những việc dỡ bỏ những tàn tích đó. Năm 1962, Đảng và Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm, tưới tiêu cho đồng ruộng.
Hơn 2.000 thanh niên xung phong từ Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… cùng đồng bào các dân tộc tại địa phương đã xây dựng công trình trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Sau gần 7 năm, công trình đã hoàn thành, trở thành công trình thủy nông lớn nhất khu vực Tây Bắc, lớn thứ hai cả nước.
"Lúc đó, tôi cũng tham gia làm công trình này. Nhờ có thuỷ điện mà diện tích canh tác của cánh đồng Mường Thanh được mở rộng, nông dân thâm canh được 3 vụ/năm, đủ ăn lại còn có thêm thu nhập. Gạo Điện Biên cũng nổi tiếng gần xa từ đó", ông Chính bồi hồi nhớ lại.
Song song với giải quyết "giặc đói", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng xoá bỏ "giặc dốt", tập trung kiến thiết lại đô thị sau những tàn phá của chiến tranh. Hiện nay, mạng lưới đô thị tỉnh Điện Biên đang được mở rộng và phát triển theo định hướng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh ước đạt 7,1%, cao hơn so với mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 26%.
Kế thừa những tiềm năng, lợi thế, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên vẫn đang nỗ lực từng ngày, khắc phục khó khăn, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại.
Chia sẻ về những đóng góp của phụ nữ Điện Biên trong sự phát triển của tỉnh nhà, bà Đỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên, cho biết, những năm qua, phụ nữ Điện Biên đã đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tích cực lao động sản xuất, góp sức xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng phát triển.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy truyền thống và vai trò chủ thể của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Để phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp, tinh thần lao động sáng tạo, khát vọng vươn lên của phụ nữ Điện Biên, Hội LHPN tỉnh đề ra một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phát huy nội lực, tích cực vươn lên, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng;
vận động hội viên phụ nữ khai thác tài nguyên bản địa, phát huy lợi thế phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn với du lịch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng phụ nữ Điện Biên thân thiện, sáng tạo, khát vọng, phát triển.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn