Chúng tôi về thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, vào một buổi sáng cuối năm. Những vạt nắng vàng trải dài như rót mật xuống nhưng ngọn đồi xanh mướt. Lấp lánh trong màu xanh của tán lá, là những trái cam đang vào vụ, chín vàng ươm, mong nước.
Vừa dẫn chúng tôi đi len lỏi qua những gốc cam, bà Mai Thị Hạnh (thị trấn Cao Phong) vừa giới thiệu: Đây là những cây cam lòng vàng, bắt đầu cho thu hoạch từ đầu tháng 11 đến Tết Nguyên đán. Cam Cao Phong có nhiều loại như cam CS1, cam Xã Đoài, cam canh, cam V2… nhưng cam lòng vàng vẫn là loại phổ biến, cho năng suất và chất lượng cao nhất. Người Cao Phong vẫn coi cam như "vàng chìm", bởi đây là loại cây mang về no ấm cho bà con địa phương. Hiện nay, gia đình tôi đang trồng khoảng 1000 gốc cam, bưởi các loại. Cây cam, cây bưởi, cây chanh... mang đến cho vợ chồng tôi niềm vui lúc về hưu, và có thu nhập để lo cho bản thân, phụ giúp con cái.
Chồng bà Mai Thị Hạnh vốn là bộ đội xuất ngũ, còn bản thân bà, sau mấy chục năm phục vụ trong quân đội cũng vừa nghỉ hưu mấy tháng gần đây. Con cái làm ăn xa. Hàng ngày, hai vợ chồng bà dành hết thời gian để chăm sóc đồi cam. "Nhìn vậy thôi chứ từ khi gia đình tôi quyết định trồng cam theo tiêu chuẩn an toàn, không sử dụng hóa chất thì tốn nhiều công sức lắm. Tất cả đều phải làm thủ công, từ tưới cây, nhổ cỏ, tỉa trái hỏng, bắt sâu, ủ phân bón… Lúc nào cũng luôn chân luôn tay. Mệt, vất vả nhưng mà chúng tôi thấy vui và khỏe ra nhiều", chồng bà Hạnh cho biết.
Cây cam được trồng tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình từ đầu những năm 1960, do thích nghi với điều kiện sinh thái nên sản phẩm có hương vị đặc trưng khó quên. Đó là vị ngọt không sắc đến khé cổ mà pha chút chua nhẹ vừa đủ. Bên trong lớp vỏ mỏng là những tép cam vàng ươm như hạt nắng nhưng cũng lại mọng mát như những hạt mưa xứ Mường.
Năm 2013, Cam Cao Phong được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Từ khi được bảo hộ đến nay, cam Cao Phong có tiếng hơn. Diện tích trồng cam của huyện đã tăng từ 827 ha (năm 2014) với sản lượng 10.000 tấn đã tăng lên 2.817 ha (năm 2019) với sản lượng trên 38.000 tấn (3,4 lần về diện tích và 3,8 lần về sản lượng). Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong đã góp phần hình thành vùng sản xuất cam hàng hóa tập trung quy mô lớn, diện tích trồng cam được mở rộng cả trong và ngoài khu vực địa lý được bảo hộ (từ 6 xã/thị trấn ra tất cả 13 đơn vị hành chính của huyện Cao Phong).
Sản xuất cam Cao Phong đi theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm là nỗ lực của người dân tại địa phương như vợ chồng bà Mai Thị Hạnh. Gia đình bà cũng đã tham gia vào Hợp tác xã 3T farrm, một trong những hợp tác xã tiên phong với mô hình sản xuất cam theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất tại Cao Phong.
Nâng tầm cho trái cam đặc sản
Đón chúng tôi trên đồi cam của thành viên tham gia HTX, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm cho biết: Trước đây, người dân canh tác cam theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng cam thấp, đầu ra gặp khó khăn, giá cả không ổn định nên thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình, do đó nhu cầu tập hợp các hộ cá thể là tất yếu. Năm 2018, HTX 3T Farm được thành lập với 8 thành viên, diện tích canh tác là 12,5ha, đến nay số lượng thành viên là 25 với tổng diện tích trồng 43,9ha.
Với quyết tâm nâng tầm sản phẩm cam Cao Phong và tạo ra sự khác biệt với các sản phẩm cam thông thường, HTX đã quyết tâm theo đi theo 3 tiêu chuẩn chính là tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm, đúng như tên gọi của HTX là 3T farm.
Để thuyết phục bà con nghe theo và tuân thủ theo đúng các tiêu chí của HTX, HTX không sử dụng thuốc hóa học để tận diệt vườn cây, phá hủy môi trường sinh thái với những người đứng đầu HTX là cả một hành trình dài. Nhưng cứ tận tâm, bền bỉ thuyết phục bằng những việc làm thực tế, bà con sẽ hiểu, tin và làm theo. Chị Thủy cho biết. Các thành viên HTX sử dụng phân trùn quế bón cây, phun và tưới cây bằng dịch trùn quế giúp cây đề kháng tốt, tăng khả năng ra hoa, đậu quả cao. Ngoài ra, các hộ còn sử dụng ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ để bón cho cây giúp cho cam có vị ngọt đậm tự nhiên, màu sắc bắt mắt. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt về chất lượng cam của HTX 3T Farm. Cam của HTX có giá cao hơn, nên các thành viên cũng phấn khởi và tin tưởng làm theo cách sản xuất thuận theo tự nhiên.
"Đến với vườn cam của các thành viên trong HTX, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy cỏ mọc tự nhiên khắp vườn, nhưng đó lại là cách để chúng tôi giữ ẩm cho đất trong mùa khô và chống xói mòn vào mùa mưa", chị Thủy chia sẻ thêm. "Chúng tôi phải dành nhiều thời gian lắm, 3 năm đầu tiên là thời gian kiến tạo, sau đó mới có thể thu hoạch được quả. Vì vậy, mỗi trái cam không chỉ mang giá trị ở vị ngọt, ở hàm lượng vitamin mà còn mang vị đậm của những giọt mồ hôi từ những người nông dân vun trồng, chăm sóc".
HTX nâng tầm giá trị cho cây cam
Dành nhiều tình yêu và tâm huyết cho mỗi trái cam, HTX 3T farm không chỉ bán trái cây theo mùa vụ mà nữ giám đốc HTX và các thành viên còn sáng tạo, nâng tầm giá trị cho trái cam của HTX. Cam sau khi thu hái về sẽ được sục rửa trong hệ thống dây chuyền hiện đại, sau đó, những trái ngon nhất, to nhất được lựa chọn để đóng hộp làm các sản phẩm cam quà tặng. Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất thêm nước ép cam, mứt cam, cam sấy… để phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của khách hàng.
Ý tưởng xây dựng mô hình cam quà tặng kết hộ với du lịch sinh thái cũng được triển khai, với các dịch vụ trải nghiệm đồi cam, thưởng thức cam và làm các sản phẩm từ cam.
Một ngày cùng những người phụ nữ chăm sóc vườn cam, thu hái cam, nghe họ chia sẻ về những ấp ủ, dự định thực hiện để nâng tầm cho trái cây đặc sản của quê hương, chúng tôi càng thêm niềm tin về một thế hệ những người phụ nữ năng động, dám thử nghiệm và kiên định với lựa chọn của mình. Dù ở lứa tuổi nào, họ cũng đang nỗ lực và dồn hết tâm sức để nâng tầm cho những trái cam - "trái vàng" của xứ Mường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn