Tại huyện Kban, ông Nguyễn Hữu Tuyến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã có buổi đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cán bộ, hội viên phụ nữ đã kiến nghị những nội dung liên quan đến lao động, việc làm, đào tạo nghề cho phụ nữ; nhà ở cho hộ nghèo, bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ; các chế độ chính sách, thai sản.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến của cán bộ, hội viên các xã Sơ Pai, Nghĩa An, Đak Rong, Lơ Ku, Kon Pne liên quan đến tình trạng tự tử, tảo hôn xảy ra nhiều trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đề tập trong buổi đối thoại. Vấn đề giá cả nông sản bấp bênh đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân; nước sinh hoạt; xây dựng nông thôn mới; tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em… cũng được chị em quan tâm đề xuất.
Hầu hết ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên phụ nữ được các cơ quan, ngành chức năng của huyện trả lời, giải đáp thấu đáo. Buổi đối thoại đã giúp các đại biểu tham gia kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, hội viên phụ nữ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của chị em vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền và vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội.
Bí thư Huyện ủy Kbang đã đề nghị UBND huyện, các phòng ban chức năng liên quan rà soát, thống kê các hủ tục ảnh hướng đến đời sống, sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số để chỉ đạo, xây dựng các mô hình tuyên truyền, vận động nhằm xóa bỏ các hủ tục; đồng thời, duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp.
Cùng với đó, các cấp, ngành của huyện cần thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; phát triển văn hóa, giáo dục-đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo; tăng cường công tác khám, chữa bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
"Với những kiến nghị, đề xuất chính đáng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, hội viên hội phụ nữ, Thường trực Huyện ủy tiếp nhận, giao UBND huyện tham mưu và lồng ghép thực hiện trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong thời gian đến", ông Tuyến nhấn mạnh.
Trong dịp này, Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức buổi đối thoại với cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Chư Prông.
Tại buổi đối thoại, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Chư Prông đã đặt các câu hỏi xoay quanh các nhóm vấn đề về kinh tế-xã hội và công tác Hội. Cụ thể, những giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, học nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm, hỗ trợ vốn ban đầu cho các mô hình nhóm tiết kiệm tín dụng thôn, bản hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đăng ký tham gia sản phẩm OCOP và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ vốn vay và bảo vệ quyền lợi cho con em đi xuất khẩu lao động; các giải pháp hỗ trợ địa phương để kiềm chế nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, nạn đuối nước ở trẻ em.
Ngoài ra, các cán bộ, hội viên phụ nữ ở cơ sở cũng đặt các câu hỏi liên quan đến việc hỗ trợ về mua sắm máy tính, máy in cho hội phụ nữ ở cơ sở để phục vụ công tác hội, tổ chức tâp huấn và các chế độ dành cho học viên tham gia tập huấn...
Buổi đối thoại là cơ hội để lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đề xuất của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Chư Prông liên quan đến chế độ, chính sách có ảnh hưởng tới đời sống cán bộ, hội viên cũng như việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội ở cơ sở. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh kịp thời giải đáp các ý kiến của cán bộ, hội viên. Đồng thời, có định hướng trong hỗ trợ cán bộ phụ nữ cũng như hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ công tác hội, phát triển kinh tế và đề ra giải pháp để giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong đời sống của hội viên, phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn