Hỏi: Chồng tôi bị kết án tù 3 năm về tội cố ý gây thương tích. Gia đình tôi thuộc diện đặc biệt khó khăn. Bố mẹ chồng đều già yếu (hơn 80 tuổi), tôi bị tai biến không đủ sức lao động, hai con còn nhỏ, chồng tôi là lao động chính. Xin Báo PNVN cho biết gia đình tôi có thể xin hoãn chấp hành án phạt tù và giảm thời hạn tù cho anh ấy không?
Nguyễn Thị Lý (Quảng Trị)
Trả lời: Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 61 Bộ luật Hình sự, nếu người bị xử phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn chấp hành hình phạt đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, chồng chị có thể được hoãn chấp hành hình phạt theo quy định trên. Thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù được quy định tại Điều 23 của Luật Thi hành án hình sự, như sau:
- Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người phải chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người phải chấp hành án làm việc ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù…
Về giảm mức hình phạt tù đã tuyên, theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Hình sự thì người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống…
Như vậy, chồng chị chỉ được xem xét để giảm hình phạt đã tuyên nếu đáp ứng các điều kiện: Đã chấp hành được 1/3 thời hạn, nghĩa là khoảng 1 năm tù; Quá trình chấp hành hình phạt tù có nhiều tiến bộ.
Luật gia Nguyễn Tuấn