Mỗi người một hoàn cảnh bi thương để rồi họ cùng nhau tìm về Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng nương náu. Tại đây, hai mảnh đời khiếm khuyết đã tìm được ở nhau sự đồng điệu, cảm thông và yêu thương. Được lãnh đạo trung tâm tạo điều kiện, họ đã dọn về sống cùng nhau và được mọi người xem là “vợ chồng”.
Tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội TP. Hải Phòng (quận Kiến An) có nhiều đôi “vợ chồng” như thế nhưng “vợ chồng” ông Nguyễn Văn Khuê (76 tuổi) và bà Phạm Thị Chín (62 tuổi) được mọi người nhắc đến nhiều nhất.
"Vợ chồng" ông Khuê, bà Chín |
Căn phòng của “vợ chồng” ông Khuê nằm ở tầng 1, ngăn nắp, ấm cúng. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Khuê đang chống nạng, đứng nhìn ra sân bằng ánh mắt tươi vui. Phía trong, bà Chín đang hí hoáy chuẩn bị bữa cơm trưa. Bà Chín bị khiếm thị từ bé, mắt không trông thấy gì, còn ông Khuê bị bệnh khớp nên hơn nửa thế kỷ nay chỉ đứng trơ trơ như khúc gỗ. Căn bệnh quái ác khiến xương từ cổ đến chân ông Khuê như dính liền nhau. Mấy chục năm qua, ông Khuê không thể ngồi. Ông chỉ có một tư thế là đứng thẳng, lúc nào mỏi ông lại đổ rầm xuống giường nằm nghỉ.
Nhà ông Khuê trước ở phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền. Bởi sáng dạ nên ông Khuê được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi học Học hết phổ thông, ông thi đỗ vào Đại học Nông Nghiệp ở Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học, ông tìm được một công việc rất tốt. Tuy nhiên, đúng lúc đó căn bệnh quái ác cũng ập xuống đầu ông.
Năm đó, mới ngoài 20 tuổi, bỗng một hôm đi làm về ông Khuê thấy chân mình đau buốt. Cơn đau ngày một nặng đến mức ông không thể lê bước được nữa. Bố mẹ ông đã đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm. Trải qua không biết bao nhiêu ca phẫu thuật, cuối cùng đôi chân của ông Khuê vẫn bất động.
Căn bệnh quái ác khiến mấy chục năm nay ông Khuê chỉ đứng không ngồi |
Theo ông Khuê, không phải ngẫu nhiên mà ông mắc bệnh đó. Đây là hậu quả của một chấn thương cách đó nhiều năm. Ngày bé, ông Khuê thường theo chúng bạn đi chơi. Một lần, mải chơi nên đến lúc trống trường điểm cả lũ mới nháo nhào chạy. Vì quá vội nên ông Khuê đã nhảy từ tầng 2 xuống đất. Do tiếp đất không tốt, nên lưng ông đã bị sụn xuống. Thế nhưng, lúc đó cũng chỉ thấy hơi đau rồi sau đó lưng tự khỏi. Đến lúc chân không đi lại được, các kết quả chụp chiếu cho biết ông bị tổn thương nặng ở lưng, ông Khuê mới nhớ đến cú nhảy từ ngày trước.
Không còn khả năng chữa trị, ông Khuê phải chấp nhận sống kiếp phế nhân. Hơn 50 năm nay ông chỉ đứng, không ngồi, người thẳng đờ như khúc gỗ. Năm 1980, khi bố mẹ đã lần lượt qua đời, không còn lựa chọn nào khác, ông Khuê đành vào trung tâm bảo trợ.
Ông Khuê kể, vào trung tâm bảo trợ, ông gặp nhiều hoàn cảnh bi đát giống mình, thậm chí hơn mình. Những người cùng cảnh ngộ thường cảm thông, chia sẻ với nhau nên ông cũng thấy vui. Tuy nhiên, cũng vì bệnh tật, lại tuổi già nên có nhiều người rất khó tính. Thấy cuộc đời bế tắc nhiều người thường cáu gắt. Bởi bản tính hiền nên ông Khuê thường bị “bắt nạt”. Ông bảo, nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân, nghĩ đến phận mình bất hạnh mà nước mắt nghẹn ngào.
Ngày đó, có chuyện buồn ông Khuê thường tâm sự với bà Chín, phòng bên cạnh. Biết ông Khuê yếu thế nên mỗi lần ông Khuê bị “chành chọe”, bà Chín lại lên tiếng bênh vực. Bà Chín trở thành chỗ dựa tinh thần của ông Khuê từ đó.
Bà Chín quê ở xã Đặng Cương, huyện An Dương, cách trung tâm không xa. Tuổi xuân thì, bà Chín đẹp nức tiếng. Thế nhưng, chiến tranh tàn khốc, một lần chạy bom không kịp, bà đã trúng bom, dù cứu được tính mạng nhưng đôi mắt thì không. Mắt hỏng, ánh sáng cuộc đời cũng tắt. Dù có chị có em, dù thương bà nhiều lắm nhưng tính bà chẳng muốn lụy ai nên bà vẫn muốn tự lo liệu cho cuộc đời mình.
Chiến tranh cũng biến bà Chín từ cô gái xinh đẹp thành người hỏng mắt |
Năm 1984, nhờ sự giới thiệu của hội người mù huyện An Dương, bà vào trung tâm này để làm tăm tre. Bà đã gắn bó với mái nhà này từ đó đến nay. Mấy chục năm sống tại trung tâm, cũng không ít lần bà Chín rơi nước mắt. Bà kể, cũng bởi bà xinh đẹp nên bà từng bị một cán bộ trung tâm “gạ tình”. Bị bà từ chối, gã này tung tin bà quan hệ lăng nhăng rồi có thai. Vì chuyện ấy, bà đã bị “mời” ra khỏi trung tâm. Mất một thời gian dài kêu cứu, cuối cùng bà được minh oan. Sau cùng, người bị trục xuất khỏi trung tâm là gã cán bộ “dê xồm”.
Bà Chín bảo, bà đến với ông Khuê như là cái duyên trời định. Ông Khuê không đi lại được nhưng là người thông minh, hiểu biết. Ở bên ông Khuê, bà Chín thấy mình được mở mang tầm mắt. Ông Khuê đọc rất nhiều sách báo và đến tận bây giờ ông vẫn giữ thói quen ấy. Đọc đến đâu, ông lại kể cho bà Chín nghe. Ngoài ra, ông Khuê cũng thường chỉ bảo tận tình cho bà Chín những việc làm hàng ngày. Người hỏng mắt, người hỏng chân, hai người kết hợp lại đã cùng dìu dắt nhau qua quãng đời gian khó.
Đều là cảnh neo đơn, tựa vào nhau được tí nào hay tí ấy, nghĩ vậy nên một lần bà Chín đã mạnh dạn ngỏ lời muốn ông Khuê về ở chung phòng để… giúp nhau cho tiện. Nghe vậy, ông Khuê giãy nảy. Dù già cả rồi nhưng 2 người khác giới, ăn ở chung với nhau sao được? Thế nhưng, sau cùng bà Chín vẫn ra sức thuyết phục. Nói cho ông Khuê hiểu rằng, vì bà thương ông nên muốn ở bên cạnh để đỡ đần, chứ không có ý gì khác. Cuối cùng ông Khuê đã ưng thuận.
Số phận đã đưa 2 người xích lại gần nhau, làm chỗ dựa cho nhau lúc về già |
Năm 2004, hai ông bà làm đơn lên lãnh đạo trung tâm bày tỏ nguyện vọng được sống chung. Cán bộ ở đây biết rõ ông Khuê và bà Chín rất thương nhau, bao năm nay ông bà chăm lo cho nhau từng việc nhỏ nhất. Bà Chín nhanh nhẹn, tháo vát, có bà chăm ông Khuê, cán bộ trung tâm cũng đỡ vất vả rất nhiều. Vì lẽ đó, không có lý do gì lại không đồng ý.
Về sống chung một phòng, ông bà vẫn chăm nhau ân cần. Bà Chín chăm chỉ làm việc, ông Khuê làm đôi mắt hướng dẫn cho bà Chín làm. Trước đây, ông Khuê phải làm một chiếc dây nối từ cửa sổ đến giường. Mỗi lần nằm ở giường muốn đứng dậy ông phải nắm lấy chiếc dây đó đu mình đứng lên. Lúc cần nằm xuống, ông đổ rầm xuống giường như khúc gỗ. Bây giờ có bà Chín bên cạnh, ông Khuê đã không phải vất vả như vậy.
Hỏi ông Khuê về mỗi quan hệ của 2 người, ông bảo rất khó định nghĩa. "Tôi không coi bà ấy là vợ, cũng chẳng là người yêu, bạn bè cũng chẳng đúng. Bà ấy là người đặc biệt nên tình cảm của tôi dành cho bà ấy cũng đặc biệt. Tôi không thể định nghĩa tình cảm đó thế nào nữa", ông Khuê nói. Bà Chín cũng nói rằng, mọi người gọi ông bà là vợ chồng nhưng thật ra chẳng phải. Bà thấy thương ông nên ở bên cạnh chăm sóc cho ông. “Sống ngần ấy năm, tôi tắm rửa, chăm sóc cho ông ấy từng việc nhỏ nhất, tế nhị nhất nhưng… giường ai người ấy ngủ. Như thế sao gọi là vợ chồng”, bà Chín hóm hỉnh.
(Còn nữa)