Các đốm máu trong lòng trắng mắt hay còn được gọi là xuất huyết dưới kết mạc (tiếng anh là subconjunctival hemorrhage) hình thành do các mạch máu nhỏ dưới kết mạc mắt bị vỡ. Các đốm máu trong mắt có thể có kích thước nhỏ hoặc lớn, tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
Đốm máu trong mắt xuất hiện một cách đột ngột, không gây đau, không thay đổi thị lực và không chảy dịch mắt. Đốm đỏ trong mắt có thể phát triển trong vòng 24 đến 48 giờ. Sau đó, nó sẽ từ từ chuyển sang màu vàng và xanh lục khi mắt bạn hấp thụ máu - tương tự như màu sắc của các vết bầm tím trên da.
Tuy không gây đau nhưng một số trường hợp cho biết họ xuất hiện cảm giác ngứa mắt, các mô bị ảnh hưởng có thể bị lồi ra rõ hơn bình thường.
Các triệu chứng do xuất huyết dưới kết mạc thường biến mất trong vòng hai tuần mà không cần điều trị.
Xuất huyết dưới kết mạc có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
+ Chấn thương mắt, chấn thương vùng đầu mặt khiến lưu thông máu bị ảnh hưởng và gián đoạn.
+ Căng thẳng nghiêm trọng.
+ Ho mạnh, hắt hơi, xì mũi hoặc nôn mửa mạnh quá mức.
+ Thói quen dụi mắt mạnh.
+ Nâng vác vật nặng.
+ Rặn mạnh khi đại tiện (táo bón).
+ Huyết áp tăng cao nghiêm trọng, đột ngột làm gia tăng áp lực máu lên thành mạch lớn hơn khiến mạch máu dưới kết mạc vỡ ra.
+ Những thay đổi cực độ về áp suất khí quyển chẳng hạn như khi lặn sâu (được gọi là biến chứng sau tai biến lặn sâu)
Chênh lệch áp suất khi trẻ đi qua ống sinh trong quá trình sinh nở dẫn tới đốm máu trong mắt, thường thì sau 2 tuần các đốm máu này sẽ biến mất. Nếu tình trạng này không hết sau 2 tuần, cần cho trẻ thăm khám bác sĩ để loại trừ nguyên nhân do hội chứng rụng lắc (shaken baby syndrome - một chấn thương não nghiêm trọng), chấn thương đầu hoặc chấn thương không chủ ý khác.
+ Một số bệnh nhiễm trùng kết mạc mắt chẳng hạn: Nhiễm trùng vi khuẩn Chlamydia trachomatis hay nhiễm trùng virus herpes simplex, Coxsackie A hoặc Enterovirus 70; nhiễm ký sinh trùng như bệnh giardiasis.
+ Đang sử dụng thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin do bị rối loạn đông máu ảnh hưởng tới quá trình đông máu hoặc tác dụng phụ của thuốc aspirin.
+ Đeo kinh áp tròng sai cách.
+ Biến chứng phẫu thuật mắt.
Ngoài xuất huyết dưới kết mạc, một số tình trạng xuất huyết khác cũng có thể dẫn tới hình thành các đốm máu trong mắt, bao gồm:
- Xuất huyết tiền phòng (Hyphema): Cùng là xuất huyết ở mắt nhưng tình trạng này nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tượng xuất huyết ở kết mạc. Thường xảy ra sau chấn thương hoặc biến chứng phẫu thuật mắt, nhiễm trùng mắt khiến nhãn cầu bị tác động mạnh và máu tích tụ lại ở khoang trước của mắt (tiền phòng). Đây là một tình trạng cần chăm sóc y tế khẩn cấp bởi lượng máu tích tụ càng nhiều thì mức độ nguy hiểm càng cao.
Những trường hợp máu có màu đỏ đậm hoặc màu đen trong mắt được coi là nguy hiểm hơn máu đỏ tươi vì nó là dấu hiệu của việc tắc nghẽn thủy dịch và biểu hiện có tình trạng giảm oxy trong khoang trước của mắt.
Xuất huyết tiền phòng cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc chống đông máu.
Xuất huyết tiền phòng có các triệu chứng như: Đau mắt, suy giảm thị lực dẫn tới mờ mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng, đốm/mảng máu trong mắt, đau đầu dữ dội.
- Xuất huyết thể thủy tinh (Vitreous hemorrhage, hay còn gọi là xuất huyết dịch kính): Xảy ra khi máu rò rỉ vào dịch thủy tinh bên trong mắt. Máu thường xuất phát từ mạch máu ở mặt sau của mắt do bị tổn thương. Bạn có thể thấy "vật thể lờ mờ trôi nổi" trong tầm nhìn hoặc có những thay đổi về thị lực khác nhưng lại không gây đau đớn.
Bệnh có thể xảy ra do chấn thương hoặc biến chứng từ các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường.
Triệu chứng phổ biến là thị lực suy giảm nhanh bất thường, đặc biệt là tầm nhìn mơ hồ vào buổi sáng do máu lắng đọng và che phủ võng mạc. Người bệnh cũng có thể nhìn thấy các vệt màu đỏ, màu hồng rực hoặc mảng mù đen mỏng trước mắt.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành đốm máu trong mắt:
Theo Very Well Health, có khoảng 40% các trường hợp có đốm máu trong mắt vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra. Nhưng có một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ hình thành các đốm này, bao gồm: Tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn máu (bệnh bạch cầu và u lympho), phẫu thuật mắt, các bệnh về mắt (bao gồm cả u mắt).
Như đã nói, đốm máu trong mắt thường sẽ tự khỏi trong khoảng hai tuần mà không cần can thiệp điều trị y tế. Tuy nhiên, bạn có thể chườm ấm mắt để vết đỏ trong mắt nhanh lành hơn.
Trong trường hợp có kích ứng, thuốc nhỏ mắt nhân tạo có thể giúp làm dịu.
Trong trường hợp xuất huyết kết mạc kéo dài trên ba tuần kèm theo các vấn đề về thị lực như mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mất thị lực; tiếp tục xuất hiện thêm các đốm máu rộng hơn, mắt bị đau thì cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn