Dồn dập yêu thương, xối xả giận dữ

10:18 | 03/03/2016;
Đầu tiên, họ còn nằm đắp chăn ngang ngực, nói chuyện rủ rỉ. Càng về sau, không khí càng “nóng” lên. Cường tung chăn, vùng dậy. Yến cũng dậy theo Cường.
Yến mới lên án chồng: “Đánh con gì mà như đánh kẻ thù” thì Cường đã sửng cồ, chuyển từ “anh - em” sang “cô - tôi”: “Không dạy nó, để sau này thành tướng cướp à? Tôi không muốn người ta gọi con tôi là thằng mất dạy”.
Mọi lần, cứ đến đoạn “cô - tôi” là Yến dừng đối thoại. Bởi cô biết, đấy là lúc Cường trở nên cục tính, hoặc anh sẽ cầm cái nọ ném cái kia, hoặc anh bỏ ra ngoài, đi qua đêm, ngày hôm sau mới về với gương mặt như có đá buộc vào. Yến là người dĩ hòa vi quý, cô thường chịu nhịn chồng, hoặc làm lành trước với anh, bất kể ai đúng - ai sai. Chỉ cần nhìn thấy chồng vui tươi, con hớn hở bên mâm cơm là Yến sẵn sàng bỏ qua hết mọi chuyện.

Chiều hết sức nhưng khi giận lên, Cường đánh con cũng hết mình (Ảnh minh họa)
Đêm nay thì khác. Cường chọn cách im lặng để chấm dứt cuộc đấu khẩu, song Yến chưa muốn dừng lại. Cô sợ âm thanh chói tai của đồ vật bị đổ vỡ, sợ cảm giác thấp thỏm khi không biết chồng đi đâu, làm gì giữa đêm khuya, song những nỗi sợ ấy gộp lại cũng không thấm vào đâu so với nỗi sợ khi chứng kiến cảnh chồng đánh con.
***
Cường rất nuông chiều con. Con thích ăn gì, chơi gì, mặc gì, anh sẵn sàng đáp ứng hết. Tình yêu mà Cường dành cho con thường được thể hiện thông qua việc mạnh tay chi tiền. Người khác nhìn vào con trai họ, cứ nghĩ là con nhà đại gia, vì Cường thích đắp lên người con đủ thứ hàng hiệu, từ quần áo đến giày dép, balô, xe đạp điện…  Nhiều khi, 2 bố con còn về hùa với nhau, năn nỉ Yến cho thằng bé nghỉ học thêm để cả nhà đi vào các khu vui chơi “đổi gió”. Chiều thì chiều hết mức, mà khi cơn giận lên, Cường đánh con cũng hết mình. Lúc thì anh cầm thắt lưng da quật vào lưng thằng bé. Không có thắt lưng, anh nhặt đôi giày xịn vừa mua cho con, nhằm thẳng vào con mà ném. Có khi anh chẳng cầm gì, cứ bàn tay to giáng thẳng vào bầu má còn măng tơ của con. Không còn “bố - con” nữa mà là “tao - mày”: “Tao chiều mày như thế, chỉ thiếu có mỗi gan trời không mua được cho mày thôi. Vậy mà mày trả công cho bố mày như thế đấy hả?”. Cứ mỗi lần đánh con, Cường lại mang tình yêu đong đếm bằng của cải ra để hỏi tội thằng bé.

 Mỗi lần nổi giận Cường có thể đánh con bằng bất cứ vật gì mình có (Ảnh minh họa)

***
Yến luôn đóng cửa phòng riêng để khỏi phải nhìn thấy cảnh chồng đánh con. Nhìn thằng bé rúm ró chịu trận đòn đau, miệng không ngừng kêu cứu, Yến đau thắt ruột gan, nhưng cô không dám can thiệp. Cường trút giận lên người con xong thì bỏ ra ngoài đường. Vài tiếng sau, anh sẽ trở về với những món đồ mà con trai yêu thích, lại xoa xuýt hỏi con có đau không, có sợ bố không, thích đi chơi đâu bố chiều… Cậu con trai được thể, lại làm nũng bố, 2 bố con rinh rích như không có chuyện gì xảy ra. Chứng kiến những lần “trút giận, làm lành” của Cường với con, Yến cảm thấy cách dạy con đó không ổn chút nào. 
“Roi vọt chỉ khiến con sợ anh, chứ nó không phục anh. Đánh con như kẻ thù xong, anh lại quay ra làm lành, không cho con có cơ hội nhìn nhận lại vấn đề, xem mình sai ở đâu, phải sửa như thế nào”, rất nhiều lần Yến nhỏ to phân tích với chồng. Thế nhưng Cường vẫn thế, hết dồn dập yêu thương lại xối xả giận dữ.
***

 Khi thấy cách bạn đời của mình dạy con có vấn đề thì dù sợ, người còn lại vẫn nên đấu tranh để thay đổi (ảnh minh họa)

Song, đêm nay Yến muốn đi tới cùng của vấn đề. Cô cho Cường xem những dòng chữ xiêu vẹo con trai họ viết vào nhật ký: “Thằng Minh hỏi mình sao ngã ở đâu mà nhiều sẹo thế. Mình bảo đi xe đua với bố. Nó nói: Bố mày đúng là thần tượng của bọn tao! Hic, mày cứ thử đi đua xe với thần tượng đi. Thật nhục nhã vì không dám nói rằng đấy là những trận đòn của bố. Sao ai cũng bảo bố hiền mà mình thấy sợ bố vậy. Kể cả khi bố ôm mình, dúi cho mình cái nọ cái kia, mình vẫn sợ!”. Cường cứ đọc đi đọc lại nhật ký của con trai…
Yến lặng lẽ đi vào phòng ngủ. Cuộc tranh luận vừa rồi không cần phân định ai đúng - ai sai. Chỉ cần Cường có những phút tĩnh tâm để lắng nghe mong ước của con mình…

Đối thoại thay vì dùng roi vọt

- Người phải dùng đến roi vọt để “nói chuyện” với con là khi họ bất lực về mặt ngôn ngữ. Phê phán, ngăn cản trong lúc cơn giận của họ đang bốc lên đầu có thể sẽ dẫn đến tình trạng “đổ thêm dầu vào lửa”. Hãy góp ý lúc họ “hạ hỏa”.

- Người xưa nói “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng con trẻ thường sẽ nghĩ ngược lại. Đừng tạo ra những thái cực “yêu, ghét”, vì yêu quá hay ghét quá đều khiến trẻ dễ nảy sinh suy nghĩ cực đoan. Muốn dạy con, phải hiểu con. Cả 2 vợ chồng đều cần nhận ra những khiếm khuyết trong cách dạy con để kịp thời điều chỉnh cho nhau.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn