Đón đầu nhu cầu lên tới 100.000 nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ bán dẫn

12:53 | 01/11/2023;
Làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, cần 50 nghìn đến 100 nghìn nhân lực cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên.

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội sáng 1/11, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng…

Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này?

Đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay, đại biểu nhận thấy, thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc là làm thêm, vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của họ rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Đón đầu nhu cầu lên tới 100.000 nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ bán dẫn - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, thảo luận tại hội trường. Ảnh QH

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Còn đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh giáo dục đại học có vai trò rất lớn trong việc nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, giữ gìn và lan tỏa văn hóa, thúc đẩy quốc gia đổi mới sáng tạo. Trong đó, chính sách phát huy tự chủ đại học, phát huy vai trò của Hội đồng trường gắn với đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cần được đặc biệt quan tâm. Hiện có một số tồn tại, hạn chế dẫn đến việc chưa phát huy hết vai trò tự chủ thực chất và thực hiện đầy đủ chức năng của Hội đồng trường như thiếu hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức Hội đồng trường, việc giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học, kiểm toán nội bộ…

Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99, trong đó đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để một cơ sở giáo dục đại học được coi là tự chủ quy định cụ thể cơ cấu thành viên của Hội đồng trường gắn với trách nhiệm, quyền hạn thể chế hóa nội dung Hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học. Quy định phương thức công khai kết quả kiểm định và giám sát khách quan chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, tập trung vào các nội dung như vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, tài chính cho giáo dục, tự chủ đại học, chính sách cho nhà giáo…

Đón đầu nhu cầu lên tới 100.000 nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ bán dẫn - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội trường

Làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, ngành giáo dục đào tạo đã nhận thức rõ được trọng trách sứ mệnh của mình. Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ của mình, hiện nay, 50 nghìn đến 100 nghìn nhân lực cần có cho ngành bán dẫn có thể chia thành nhiều nhóm chuyên môn với trình độ, yêu cầu khác nhau, hiện đang có ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh thì có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn